Thứ Năm, 25 tháng 12, 2008

Giáng Sinh Hồng






Giáng Sinh 2008....

Buồn ghê! Chiều ngày 24 tự dưng vướng phải ông khách hàng đến duyệt mẫu túi bao bì. Mất đứt 3 tiếng đồng hồ vẫn chưa xong nhưng trời đã tối nên tạm gát lại. Rốt cuộc "người tính không bằng... người làm", lại mất công thêm một ngày làm lại mẫu.

Đến 18h00 mới lên được xe bus Bến Cát - Thủ Dầu Một; 18h30 lên tuyến Thủ Dầu Một - Miền Đông, may mắn vì đây là những chuyến cuối cùng. Về đến nhà thì đã 19h45, mệt... đói.... lại bị mắc mưa, lạnh...

Đêm Giáng sinh năm nay hơi bị buồn, bà xã tăng ca chiều, bỏ nhà cho 2 thằng nhóc tự canh nhau. Hai đứa gọi phone cho mình liên tục: "Chùng nào ba về chở con đi chơi?...". Lòng nóng như lửa đốt, mà về đến nửa đường thì bị mắc mưa, mưa kéo dài đến 20h30 mới tạnh. Ba cha con méo mặt ngồi trong nhà, một Giáng Sinh không có thịt gà nướng, không bánh kem (thằng lớn vừa xong vụ ngộ độc TP nên nhất quyết không ăn bánh kem), không xem hang đá, không có quà của ông già Noel... Dụ tụi nhóc: "Ông già bị mắc mưa, đường kẹt xe do VN thắng TL, ngày mai mới phát quà" - lại chạy vòng vòng ngày 25 mua quà cho tụi nó.

Thế là xong một ngày...

Đêm khi đang ngon giấc, chập chờn nghe tiếng guitar thùng bập bùng, nhè nhẹ một giọng hát:

Tuổi hồng thơ ngây dưới mái trường
Tuổi thơ đã đi qua rồi
Để lại trong tôi một nỗi buồn
Nói lên tiếng yêu lặng thầm,
Anh dành cho em...

Chập chờn trong cơn mơ, cứ ngỡ là Noel năm 1990-1991 gì đó... Giật mình choàng tỉnh: có tiếng đàn hát thật chứ không phải là mơ. Nguyên do là thằng em kế bên nhà tôi kéo đám bạn về nhậu tiếp sau chầu rong chơi mừng VN thắng TL 2:1. Hắn và đám bạn là dân Tài chính Kế toán cũng đã tốt nghiệp khá lâu, còn bài hát... bài "Tuổi hồng thơ ngây" này xuất xứ từ trường ĐH Kinh Tế, tụi sinh viên ở KTX trong những năm 1985 trở đi gần như đứa nào cũng thuộc bài này.

Bài hát có giai điệu nhẹ nhàng, dễ hát, ca từ đôi khi ngô nghê, không vần điệu nhưng lại phù hợp với tâm trạng và nỗi lòng của đa số sinh viên thời ấy...

Xưa chúng ta chung trường
Cùng nhau kết hoa ước hẹn

Mà nay bỗng dưng em lại

Bỏ quên hoa bỏ quên tình tôi

Em vội ra đi trong ly biệt

Tháng năm vẫn trôi qua dần,

Tôi chờ tin em...


Do trong bài hát có nhắc đến "tiếng chuông giáo đường", vì vậy Noel rất dễ được hát chung với "Bài Thánh Ca Buồn"...

Khi biết tin em rồi
Lòng anh bỗng se thắt lại

Và khi tiếng chuông giáo đường

Còn ngân nga xe hoa dừng lại

Em là cô dâu khoác áo hồng

Sánh vai bước chân theo chồng ,
Để lòng tôi bơ vơ ...
Tuy nhiên do quá phổ biến, bài hát phát sinh nhiều dị bản, chúng tôi là dân BK nên thuộc theo bản hiện nay đã phổ biến - thậm chí được thu âm phát hành qua giọng ca Nhất Thiên Bảo nữa kia. Có lẽ chúng tôi áp đảo quá hay sao ấy mà lời bài hát đó trở thành chính thống, còn lời theo như tôi còn nhớ - là bản đầu của KT thì bị lãng quên, chỉ còn được lưu hành bằng lời viết trên mạng chứ không nghe hát.

Kỉ niệm trong tôi đã phai mờ
Giờ em bước đi theo chồng
Bỏ lại trong tôi một bóng hình
Nói lên tiếng yêu lặng thầm,
Anh dành cho em.


Hãy hát khúc nhạc buồn
Cùng chung tiếng ca cung đàn
Còn đâu dáng em những chiều

Nhè nhẹ đưa bước chân phù du

Êm đềm trôi qua khi em theo chồng

Nhớ sao những khi tan trường,

Tình anh bơ vơ...

Tụi nhà bên chơi ngẫu hứng cả 2 dị bản của bài hát, lặp đi lặp lại có lẽ đến "n" lần... Sau đó lại chuyển qua Lê Hựu Hà, đến lúc ấy thì bắt đầu ồn ào, vợ tôi phải bước ra nhắc nhỏ - cũng 2 giờ sáng hơn rồi.

Tiệc bên kia rút vào im lặng. Tôi ngẩn ngơ, nhớ quay quắt một thời tuổi trẻ ngông cuồng, sống phớt đời, ngổ ngáo, nhậu nhẹt lu bù thâu đêm suốt sáng... đã qua hai mươi mấy năm, mà chỉ một bài hát - một bài thôi - chợt thấy như mới hôm, qua hôm kia gì đó... Chợt ước cho thời gian quay trở lại, chợt nhớ tám mươi mấy khuôn mặt lớp HC87 quậy như quỷ, chợt thèm không khí GS ở KTX 497 Hòa Hảo...

Cám ơn Ông già Noel đã tặng cho tôi một món quà bất ngờ, một món quà trên cả tuyệt vời. Một khoảnh khắc giúp tôi sống lại bao kỷ niệm xưa, để thấy lại nỗi hào hứng với cuộc đời, nhóm lại ngọn lửa đam mê trong công việc, xua bao mệt mỏi của một ngày không như ý...

Sáng dậy vội search bài hát này, may mắn là có. Vội vàng post lên, chia sẽ cho các bạn một bài hát kỷ niệm, đã giúp đêm giáng sinh 2008 của tôi trở thành một Giáng Sinh Hồng đầy ý nghĩa trong cuộc đời này...



Thứ Tư, 24 tháng 12, 2008

Những Bài Ca Giáng Sinh của tôi



Giáng Sinh… Mùa Bình An… Mùa sum vầy…

Khi quây quần bên buổi tiệc nhỏ trong đêm Noel chắc chắn một điều là không thể thiếu các bài hát mang đậm không khí đặc trưng của ngày lễ hội lớn cuối năm.

Tôi cũng thế, khi Noel đến thì trong lòng lúc nào cũng rộn vang các giai điệu ấy… Tuy nhiên mỗi lúc, chúng lại là một bài hát khác…

Thuở bé, tôi chỉ biết có bài Jingle bells – lúc ấy là sau 30/04/1975 chị Sáu của tôi có 2 tập nhạc: tập màu xanh là “Nhạc Giải Phóng” còn tập màu đỏ là “Nhạc … Không phải của GP”, khi chị tôi đang học lớp 9 thì thầy Anh văn có dạy bài này – cả tiếng Anh lẫn Tiếng Việt, bà chị cứ phân vân chẳng biết chép vào tập nhạc nào mới hỏi bà chị Năm, thế là thằng em út đang học lớp 2 - tuổi ngộ chữ - mày mò đem ra tập đọc. Hồi bé tôi lại rất có khiếu về ca hát (3 tuổi được biểu diễn trên sân khấu nhé – được thâu băng nhé, cứ như “Ngôi sao của bạn” ý, 5 đã tuổi được Ty Giáo dục chụp hình trong buổi lễ phát thưởng cuối năm của Mẫu giáo LX ) do vậy chỉ nghe qua vài lượt đã có thể ngêu ngao:

Trời tuyết chao ôi lạnh
Ngồi gập ghềnh lắc trong xe tàng
Ngựa đều kéo bon trên đường
Cười phá giữa đêm mù sương…

Nhạc ngựa lắc lư kêu dòn
Nhịp đều gõ vang tâm hồn
Người ngồi bỗng như dựng lên
Tung lên… bắn lên…
Ngã nghiêng trên sàn…

Cứ thế hát vang khắp nhà, khắp con hẻm nhỏ trong mùa Noel 1976 và những năm sau đó cứ văng vẳng tiếng chuông trong mùa Giáng Sinh: “Chuông leng keng… chuông leng keng (cứ nghĩ là chuông bán cà rem cơ, chứ nào có biết thêm chuông gì đâu) vang khắp đường hoang vắng...”



Đến khi học Trung học thì bài Jinggle Bells được thay thế bằng nhiều bài hát khác. Lúc ấy cũng bắt đầu được nghe nhạc ngoại quốc, và BoneyM là một band không thể thiếu trong mùa Giáng sinh về. Cứ khoảng 14-15/12 thì đi đâu cũng nghe

Hooray, hooray it’s a holy holiday… It’s a holy holiday…

Tuy nhiên ngày 24 và 25 lại là bài hát “Đêm Thánh Vô Cùng” vì giai điệu ngân nga, êm ả của nó cứ như các bài thánh ca mà tôi nghe trong khi theo Nhã đi lễ trong mùa Bình An:

Đêm thánh vô cùng
Giây phút tưng bừng
Đất với trời cùng pha chữ đồng…

Khi vào Đại học thì đang là mùa đình đám của WHAM, vì vậy nói Giáng Sinh là nói đến Last Christmas:

Last Christmas I gave you my heart
But the very next day, you gave it away.
This year to save me from tears
I’ll give it to someone… special…

Và chắng biết có phải là ứng nghiệm hay không để đến khi tốt nghiệp, đi làm thì tôi lại chỉ nhớ “Bài Thánh Ca Buồn” trong những ngày cuối năm:

Bài Thánh ca đó còn nhớ không em
Noel năm nào chúng mình có nhau
Long lanh sao trời đẹp thêm đôi mắt
Áo trắng em bay tựa cánh thiên thần
Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân…

Và sau đó là đến chuỗi các buổi nhậu suốt đêm trong những kỳ Noel sau đó, thường ngân nga lại là giai điệu của “I wish you a Merry Christmas and Happy New Year” – một lời chúc chung chung, không cụ thể về một vấn đề… không phải suy nghĩ khi mở miệng chúc…, và người chúc lẫn người nhận đều vui vẻ trong mùa Bình An…

Hiện giờ thì tôi và gia đình lại quay trở lại với Jingle Bells vì thực tình không thể chịu nổi các lời ca nhái nhó méo mó của lũ nhóc gần nhà lây cho 2 thiên thần nhỏ của tôi. Đêm Noel năm nay ba cha con tôi dạo phố và ngồi ngêu ngao trên con ngựa sắt (có động cơ) lời một bài hát có từ rất … rất xa xưa:

Đường đất đã trắng ngần
Hàng ngày vẫn qua bao lần
Lần này khác đi muôn phần
Nàng ngồi sát bên cạnh tôi

Mình chọn lấy con ngựa què
Chạy độ… tám mươi dặm giờ
Rồi cột nó vô gọng xe
Dây cương kéo nhanh…
A ha… lên đường…

Lời dịch của bài Jingle Bell này tôi ghi lại theo trí nhớ - đã quá xa rồi nên phần Điệp khúc không nhớ được nữa.

Đêm Bình An



Một vòng ô rô
Một cành tầm gửi
Một ánh nến lóe
Một cội thông non

Tiếng chuông ngân xa
Câu kinh dĩ vãng
Vang vang kỹ niệm
Chợt về quanh đây

Một ly cà phê
Một viên kẹo ngọt
Một làn khói thuốc
Một mùi hương xa

Gió Đông xao xác
Ngõ vắng im lìm
Ngồi tựa khung cửa
Giật mình... dáng ai....

Một nụ cười hoa
Một vầng tóc rối
Một bờ vai nhỏ
Một thời... đã xưa...

Em về chốn cũ
Mười năm... như là....
Gượng cười chúc nhỏ
"Mừng Đêm Bình An"...


Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2008

Miền Cát Trắng






Sáng nay bất chợt trời đổ mưa. Cơn mưa muộn cuối mùa, lại lẩm cẩm nhớ: "Tháng Mười Hai trời còn mưa muộn, anh bâng khuâng đứng lặng ở cuối đường...". Tự dưng thèm nắng ấm mùa Hạ, tự dưng thèm nghe biển hát, tự dưng thèm lang thang trên một miền cát trắng... một mình....
Một mình anh lang thang trên phố, nhớ mùa mưa qua
Còn mình anh cô đơn nỗi nhớ những chiều mưa buồn
Anh nhớ em mùa thu đầy nắng
Anh nhớ em từng đêm mưa trắng lòng anh.
Đừng vội quên bao nhiêu yêu dấu tháng ngày bên nhau
Từng nụ hôn ta trao khi đó biết giờ nơi nào
Thôi nhé em tình trôi vào dĩ vãng
Anh vẫn đi về nơi miền cát trắng mình anh.

Đừng vội xa em ơi khi tình yêu luôn còn
Một mình anh lang thang nghe tháng năm qua bên đời
Hãy nhớ lấy từng nụ hôn khi xưa
Và hãy nhớ lấy những tháng năm bên người
Người yêu ơi giờ chia xa mãi mãi.



Thà mình chia tay nhau khi tình yêu không còn,
Giọt tình rơi bên hiên, ôm lấy con tim ưu phiền
Hãy xóa hết từng bàn chân em qua
Đừng có nuối tiếc những giấc mơ qua rồi
Mình anh lang thang miền cát trắng, mình anh...


Thứ Năm, 11 tháng 12, 2008

Lơ lửng Bà Nà



Hoa Bồ Công Anh
Ca sĩ: Nguyễn Lê Thanh

Trên đường công tác, chúng tôi lưu lại Đà Nẵng để giải quyết công việc. Do việc kéo dài nên đáng lý ngày thứ 7 giải quyết xong thì lại bị kéo sang đến thứ 2. Tự dưng dư được 1 ngày Chủ Nhật ở Đà Nẵng. Kỳ trước thì chúng tôi đã đi Hội An, lần này nghe lời khuyên của một anh bạn, chúng tôi quyết định lên Bà Nà xem thử.

Bà Nà - Núi Chúa là một dãy núi thuộc huyện Hòa Vang cách Đà Nẵng 40 km về phía Tây Nam, cao 1.487m so với mực nước biển. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 17 dến 20oC- được xây dựng thành khu nghĩ dưỡng rất lâu đời vì không khí thoáng mát, trong lành - như một Đà Lạt của khu Đà Nẵng. Đó là thông tin sơ bộ chúng tôi nhận được trước khi khởi hành đi lên Bà Nà.

Vòng vèo từ Đà Nẵng, vào đến cổng của đường lên khu du lịch Bà Nà - Thác Mơ đã gần 9h00. Chúng tôi bắt đầu leo đèo lên đỉnh Bà Nà, cứ thắc mắc câu hỏi của các anh xe ôm: có cần bỏ xe ở dưới đi xe máy lên hay không? Khi vào đèo, đi một đoạn thì mới hiều: dường đi tương đối nguy hiểm: hẹp, độ dốc cao, các cua cùi chỏ liên tiếp và lại gần nhau, dồn dập. Tôi từng đi Đèo Cả, Đèo Hải Vân trước đó nhưng quả thật đường lên Bà Nà thấy sợ hơn nhiều. Tay phải là vách núi dựng đứng, cao vút, tay trái là vực sâu - chắng biết sâu tới đâu vì tôi sợ độ cao, không dám dòm - chỉ biết là ngọn cây ở phía dưới cứ lấp ló, phất phơ ngang ngang tầm bánh xe chạy.



Khung cảnh xung quanh cũng rất thú vị: đường đèo xuyên qua khu rừng nguyên sinh nên cây cối đa dạng, hoa cỏ lạ mắt - thi thoảng nghe tiếng chim kêu và - chẳng biết đoán có đúng không - tiếng vượn hú. Đôi khi đến đoạn trống (các vách đá, bờ vực) thì lại nhìn được cảnh đồng lúa phía dưới, lấp ló ẩn hiện qua các đám mây bay là là, có khi nhìn được đến cả biển.

Chúng tôi đi qua không biết bao nhiêu là đoạn cua tay áo gắt và dốc, thử tay nghề của lái xe. Cũng không biết xuyên qua bao đám mây trằng dày đặc, mờ mịt - cứ như leo lên từng tầng mây, tầng trời ấy cho đến khi mây nhạt dần các đỉnh núi nhấp nhô hiện rõ ra, ngang ngang tầm mắt thì thấy được biển hướng dẫn: "Khu du lịch Bà Nà - Núi Chúa"


Cua tay áo ghê chưa?

Đến trạm của khu du lịch Bà Nà - Núi Chúa đã 10h15 hơn. Cảm giác đầu tiên khi bước ra khỏi xe là hoàn hồn biết mình còn sống (chưa chết vì tai nạn và chưa bị chết vì đứng tim), sau đó là cảm nhận không khí mát lạnh trong khi trời nắng to. Bầu trời tương đối trong, mây hình như đã ở dưới chúng tôi hết, phía trên chỉ còn vài tảng mây mỏng lờ lững vắt ngang trời. Phía dưới thì mây lại dày đặc, không thể nhìn được thành phố Đà Nẵng và biển, không thấy được Ngũ Hành Sơn... Chúng tôi tỏa ra đi lòng vòng khu nghĩ này.
Khu nghĩ tập trung nhiều nhà nghĩ xây theo dạng biệt thự - đặt tên là Hoa Mai, Hoa Lan... đa phần là Hoa. Tuy nhiên nhìn toàn khu vực thì thấy heo hút lắm, không tưởng được đây là một khu du lịch như đã được nghe quảng cáo. Các biệt thự bỏ hoang nhiều, cửa nẻo cũng hư hại - có biệt thự chỉ có khung bên ngoài, bên trong nội thất chẳng có gì cả toàn là bụi bặm và cỏ lan, dây leo thò vào lung tung...
Rừng thì còn nhiều, có cả một câu cầu treo bắc ngang khe núi nhưng tôi không tài nào bước xuống đó được vì bệnh sợ độ cao của mình, chỉ dám đứng gần gần, me mé chụp một tấm hình về để khoe mà thôi.


Cầu treo bên tay phải, nhưng đen thui không thấy gì hết

Thích thú nhất là trong sân của khu nhà hàng mọc hoang Bồ Công Anh, lẫn với một loài hoa dại tím tím mà tôi không biết tên. Các cây Bồ Công anh mọc rải rác khắp sân, trải các lớp lá mọc tỏa tròn xanh thẫm, từ giữa đám lá là các nụ hoa, hoa và quả Bồ Công Anh điểm xuyến các sắc màu trên nền xanh của lá. Các nụ hoa vàng nhạt, đâm thẳng lên như muốn chọc thủng trời, các đóa Bồ công anh vàng rực nổi bật trên lớp lá xanh mọc qua kẽ các nền đá granit, kiêu hãnh vươn lên đón ánh nắng mặt trời trên đỉnh núi sương gió quanh năm, khỏe khoắn, đầy đặn, hùng dũng - làm tôi lại liên tưởng đến các chàng trai dũng mãnh của đại ngàn.

Tuy nhiên - và tất nhiên - đẹp nhất vẫn là các quả Bồ Công Anh: một khối trắng bông, mềm mượt ngự trị sừng sững trên đỉnh của cuống hoa. Khi mặt trời vừa lên, chúng lóng lánh các giọt sương đêm, như một món trang sức tuyệt mỹ dát toàn kim cương. Buổi trưa nắng lên cao, chúng phô bày vẽ trắng muốt, bông nõn, như một cụm mây nhỏ vừa lạc xuống sân, dịu dàng, mềm mại, rung rung... như đang gọi ta cùng phiêu lãng. Khi gió lên, từng hạt, từng hạt tách ra khỏi cụm mây ấy và lơ lửng, xoay xoay, bồng bềnh "cuốn theo chiều gió": chúng đang lên đường phiêu du với gió đấy.

Hôm ấy, tôi thỏa thích ngắt các cụm hạt, thổi tung chúng cuốn vào khoảng không trước mặt, cho chúng bay tít mù như gửi gấm tất cả những nỗi buồn phiền, stress, bực dọc, không vui, xui xẻo... "để gió cuốn đi" - chưa bao giờ hình dung một cách cụ thể bài hát đó như lúc ấy.

Chúng tôi rời khỏi đỉnh Bà Nà lúc 13h00 - chỉ lưu lại trên đây gần 2 tiếng, chỉ đủ thời gian chụp vài tấm hình, nghiên ngó tứ phương và cảm nhận không khí mát lạnh của Bà Nà (khỏe hơn ở Đà Nẵng nằm máy lạnh). Trên đỉnh Bà Nà, dùng cái di động 7610 chụp lung tung người và cảnh. Nhưng đối với Bồ Công Anh, chọn các góc, rốt cuộc chỉ được một tấm hình ưng ý: Cụm bông phía trên, nghiên nghiên che hai hoa vàng phía dưới. Tuy nhiên hậu cảnh và phía dưới quá xấu nên phải dùng PTS chỉnh sửa lại hết.



Còn cảm nghĩ về Bà Nà à? Nếu không có thay đổi gì về đầu tư du lịch cho Bà Nà thì chắc tôi chẳng đi lại lần thứ hai đâu. Đường đèo Bà Nà ghê quá, trên khu du lịch chẳng có gì chơi: không lẽ lên trên ấy chỉ đốt lửa trại (phù hợp với tổ chức cho các đoàn thể thôi), ăn nhậu (chắc gì đã ngon) và ngủ (được cái khỏi cần máy lạnh) thôi sau. Năm 2006 trên ấy chỉ có một vài phòng Karaoke, một vài nhà hàng... đêm xuống chắc hẳn là buồn lắm. Tôi lại liên tưởng đến cao nguyên Gensting của Malaysia: trên đó họ lập một khu liên hợp du lịch, nghĩ dưỡng và sòng bạc lớn nhất vùng Đông Nam Á - nếu Bà Nà có tổ chức như thế thì họa chăng mới thu hút được du khách lên đây, ở lại và còn quay lại đây. Còn qua chuyến đi ấy, tôi chỉ nhớ có mỗi 2 điều: đường đi hiểm trở và những đóa Bồ Công Anh trên đỉnh mù sương.


Thứ Hai, 8 tháng 12, 2008

Thành phố buồn





Tôi đến Đà Lạt lần đầu tiên không phải là để du lịch mà do công việc nên ghé nghĩ lại một đêm. Trước đây tôi chưa từng đến Đà Lạt, có nhiều nguyên do nhưng tâm lý là chính: những lần các bà chị của tôi đi chơi về nói lại thì ấn tượng không hay về Đà Lạt cứ lẩn quẩn ám lấy tôi: nào là cảnh trí thay đổi, bị can thiệp nhiều và làm xấu cảnh quan, không còn vẽ đẹp tự nhiên, nào là các nhà hàng khách sạn chặt chém du khách trong các mùa du lịch (có lẽ các bà ấy quá khó tính chăng?); công thêm hồi đó cứ mỗi lần dự định đi Đà Lạt chơi thì thế nào cũng xãy ra chuyện và chuyến đi không bao giờ có được. Có lẽ là vậy chăng?

Tuy nhiên hồi học ĐH lớp tôi có 2 bạn là dân Đà Lạt, đều là nữ: Tú Quyên và Cẩm Hồng. Do vậy những câu chuyện kể về Đà Lạt tôi nghe cũng không phải là ít. Tuy nhiên hôm ấy chúng tôi có rất ít thời gian để đi đó đây: gần 8h00 chúng tôi mới dậy - kết quả của chầu nhậu đêm hôm qua đến gần 3h sáng mới tàn. Trả phòng, ăn sáng xong thì cũng gần 9h00 - chỉ còn thời gian đi đến một nơi duy nhất: Domain de Marie để cho các cô... lựa đồ len.

Domain de Marie có cấu trúc nhìn từa tựa với các Đại chủng Viện mà tôi đã từng thấy qua: Long Xuyên, Josep... với kiến trúc có rất nhiều cửa sổ, nhất là các cửa sổ trổ trên mái. Chúng tôi không đem máy chụp hình, hôm qua lại có mấy chiếc điện thoại đã "giãy chết" trong đêm nên cái N78 của tôi được dịp phát huy tác dụng. Công nhận một điều là tôi tương đối hài lòng với cảnh trí, kiến trúc và vườn hoa ở đây: được chăm sóc kỹ lưỡng, chủng loại cũng phong phú. Tuy nhiên khi tôi đi là cuối mùa du lịch, mưa bắt đầu rơi nhiều và chắc là không trúng mùa của một số loại hoa nên cẩm tú cầu và hồng tú cầu lại xơ xác quá, các cây hoa trà chỉ còn rải rác vài bông. Khu bán đồ len thì tôi chỉ đảo qua rồi bỏ ra ngoài, tôi thích lang thang trong vườn hoa hơn.
Ghé thăm Domain de Marie xong thì cũng đã hơn 10h00. Chúng tôi ghé chợ Đà Lạt chờ các bà các cô đi chợ mua... rau(?!!). Công nhận là hoa hồng trên Đà Lạt nhiều màu và bán rẽ thật. Tuy nhiên đối với hoa hồng thì xưa giờ tôi chỉ mua hoặc là một lẵn hoa để tặng phụ nữ trong phòng nhân 8/3 hay 20/10, hoặc là chỉ mua 1 đóa to hồng nhung hoặc hồng bạch hoặc hồng vàng: chỉ 3 màu này thôi - để cắm ở nhà (chẳng qua là thích ý nghĩa "Only one - Only you" mà thôi).

Trong lúc các chị dạo chợ thì tôi và mấy thằng em lại dạo dãy cây cảnh. Thật may là tôi tìm được cây Bạch Thiên Hương (Dành dành kép) mà tìm ở SG bao lâu nay chưa gặp. Cây đang nở 1 hoa và ướp cả chiếc xe chúng tôi bằng mùi hương ngọt lịm, lẫn giữa mùi ngọc lan và mùi hoa nhài - chỉ 1 đóa thôi nhé. Song song tôi chọn thên 1 cây hoa Mộc - cho hoa nhỏ và thơm gắt lắm, 1 bụi Trúc Nhật. Mấy đứa thì lấy cộng lại cũng gần chục cây Bạch Thiên Hương, mấy chậu lan rừng. Kết quả là chiếc xe chật ních những hoa hồng, hoa salem, rau, trái hồng, dâu tây tươi, cây cảnh và... người.
Đi mua sắm xong thì cũng đã hơn 11h00, chúng tôi bắt đầu về SG. Chúng tôi đánh một vòng quanh hồ Xuân Hương để đi về, không khí bắt đầu ấm dần. Khối Trung học cũng đã bắt đầu tan, các học sinh đồng phục trắng, khoác thêm áo len (cũng một màu đồng phục) đạp xe ngược dốc với chúng tôi. Có lẽ trời lạnh quanh năm, sống ở vùng cao, và đang dốc sức đạp xe nên đôi má các em cứ ửng hồng nhìn rất thú vị.
Tuy chưa xóa hết các trở ngại tâm lý nhưng lần ấy Đà Lạt cũng kịp ghi sâu thêm cho tôi một ấn tượng không mới: thành phố ngàn thông này buồn quá... Tôi chợt hiểu rõ hơn câu nói của T.Q. đã nói với tôi cách đây hai mươi mấy năm: "kiểu người như T. không bao giờ sống được ở Đà Lạt... vì đó mãi mãi là một Thành Phố Buồn"...



Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2008

Tung tăng Phố Hội





Chúng tôi đến Hội An vào một ngày Chủ nhật tháng 7, trời nắng chan hòa. Đi từ Đà Nẵng vào Hội An, đường đi còn đầy nét đồng quê: làng mạc, nhà cửa, hàng rào cây xanh... hòa trong nắng vàng, thật dịu mát.
Vào đến Hội An, ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là... đi lạc. Trong đoàn có anh từng làm lái xe cho Du lịch Hòa Bình, thường chở các đoàn khách đi nhưng năm đó chúng tôi đi lạc ra đến khu dân cư mới mở, hình như là gần biển thì phải. Nguyên nhân cũng vì mấy năm không đến, nhà cửa cảnh quan đổi khác nên dẫn cả đoàn đi lạc.
Vào đến khu phố cổ, việc đầu tiên là mua vé tham quan: được tham quan 3 điểm cộng thêm được xem biểu diễn ca múa dân tộc. Việc quyết định tham quan 3 điểm nào trong vô số điểm cần tham quan cũng là một vấn đề vì trong đoàn 4 người thì đã năm sáu ý. Tách ra để đi riêng lẽ thì sợ lạc tiếp, rốt cuộc thì cũng chọn được nhà cổ họ Trần, Chùa Phúc Kiến và chùa Ông.
Các kiến trúc khi tôi đi xem sơ thì vẫn ấn tượng nhất là chùa Cầu với 2 ông khỉ và 2 ông chó ở 2 đầu cầu. Giữa cầu có am nhỏ thờ Chân Vũ Đại Đế: người ngự trị phương Bắc và có công trị thủy. Bức tượng thờ tuy nhỏ nhưng vẫn toát lên uy nghi và tinh thần của vị Đại đế hóa thân tứ chín của Ngọc Hoàng: tóc xõa dài, chân giẫm trên Quy, Xà nhị tướng, một tĩnh: Quy - trầm ổn chắc chắn, một động: Xà - linh hoạt biến hóa: cả hai đều toát lên cốt lõi tinh thần của NƯỚC: trầm ổn, lớn mạnh và linh động, biến hóa vô lường, như dòng sông Thu đang chảy qua Hội An.
Các kiến trúc khác thì khu vực chùa Phước Kiến ấn tượng nhất là việc các hình tượng, bích họa được ghép bằng các mãnh gốm sứ, tiếc là do biết quá muộn nên tôi không xem được thuyền cổ, Tam tiên và 12 bà mụ sanh, 36 Thiên tướng của Hội quán này. Chùa Ông-chùa Bà thì ấn tượng ở 4 cánh cửa gỗ to chạm trổ mai, trúc, lân, long thật tinh xảo và sống động - hai Ông (Quan Công) vả Bà (Quan Âm) cách nhau có mỗi cái vách có một cánh cổng nhỏ thông qua, không đề ý thì đố biết đó là 2 ngôi chùa khác biệt. Nhà cổ họ Trần thì lại chỉ thích khu vườn mát rượi bên ngoài vì bên trong tận dụng bán đồ mỹ nghệ lưu niệm nên không còn chổ để ghé mắt vào xem.
Đến Hội An, khi đi vòng quanh tôi chọn mua được một bộ ấm sứ bé xíu và bốn cái chung, tất cả bày trên chiếc dĩa cách điệu thành chiếc lá, nước men xanh lam bóng loáng, mượt mà. Song song tôi lại mua được một bộ tò he đất đủ 12 con giáp, tuy không tinh xảo nhưng lại chứa đầy hồn quê. Cầm từng con lên thổi, nghe kêu tu-oe, tu-oe, bỗng thèm làm con nít hết sức...
Đến trưa thì chúng tôi ghé vào quán, tất nhiên là phải thưởng thức món cao lầu trứ danh của Hội An rồi. Quán cao lầu tôi ăn ngày hôm đó không phải là quán nổi tiếng của Hội An, nhưng với người lạ mới nếm thử món ăn này lần đầu thì thấy thật ngạc nhiên và thú vị - trước đó tôi còn chưa ăn qua cả mì Quảng nữa kìa. Món cao lầu hội đủ các thứ khoái khẩu: sợi bánh mềm, dai - vụn bánh chiên dòn rụm, rau thơm lựng, ớt cay nồng, cùng với vị ngọt, thơm của miếng xá xíu... Hừm... biết tả sao giờ nhỉ? Tô cao lầu nho nhỏ, lượng vừa đủ tạo cảm giác ngon miệng, vừa còn cảm giác thòm thèm muốn ăn thêm.
Cũng tiếc là sau này mới biết phố Hội còn có bánh hoa hồng. Ngày hôm đó tôi có thấy quán bánh nhưng cứ nghĩ đó là bánh ngọt nên không để ý, chứ nếu biết thì tôi đã ăn một đĩa để còn biết hương vị của một loại đặc sản của phố Hội rồi.
Đến chiều thí chúng tôi rời phố Hội về Đà Nẵng, lòng vẫn còn luyến tiếc: tôi chưa được tham dự đêm rằm phố cổ, chưa được ngắm đèn lồng, ngắm phố cổ không dùng đèn điện, chỉ thắp đèn lồng trước cửa trong đêm rằm.
Lòng tự nhủ, nếu có dịp tôi sẽ quay về phố Hội - nếu được ngay Nguyên tiêu thì quá tuyệt, tôi sẽ về để thưởng thức bao di tích, bao cảnh vật còn bỏ sót, cũng như sẽ tìm bao món ăn ngon khác đã nghe nhưng chưa được thưởng thức: canh bầu nấu hến, khoai lang Trà Đóa và tất nhiên phải tìm lại vị béo ngậy, thơm lừng của món đặc sản cao lầu.

Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2008

Chè bạc đầu



Mùa Đông Mong Manh
Ca sĩ: Trio 666

Nhà tôi có đa phần ảnh hưởng của người Hoa: má tôi là người Hoa, vợ tôi cũng là người Hoa. Vì vậy đến ngày Đông Chí hàng năm, làm gì thì làm cũng phải cúng một mâm chè ỷ.

Chè ỷ được nấu từ bột nếp và đường, loáng thoáng vài sợi gừng – dễ thực hiện nhưng không phải dễ để nấu ngon. Nguyên liệu rẽ tiền, cách nấu đơn giản nên trước đây (vào khoảng 1982 – 1985) món này gần như thành món tráng miệng thường kỳ của gia đình tôi.

Tuy nhiên để nấu được nồi chè ỷ được vừa ý của Ba tôi thì cũng lắm công phu. Hồi đầu khi hai chị em tôi nấu nồi chè ỷ đầu tiên sau khi Má mất, ông chỉ ăn đúng 2 viên – còn lại thì tôi và bà chị phải cố ăn cho hết cái nồi chè vừa khô, vừa cứng, vừa cay – thật kinh dị!!!

Qua vài lần nấu thì hai chị em cũng rút được kinh nghiệm: bột nếp phải hòa với nước ấm – ba sôi, hai lạnh – thành hỗn hợp dẽo vừa tay, phải ủ thêm ít nhất 2 giờ để cho các hạt bột nếp ngấm no nước, nở căng thì mới được vo viên bằng đầu ngoán tay cái. Cho từng viên bột tròn vào nồi nước sôi sùng sục, chờ cho chín già – ba chìm, bảy nổi – thì vớt ra ngay, ngâm vào chậu nước lạnh có một ít dầu ăn để các hạt chè không bị dính thành chùm. Sau đó nấu nước đường và một ít gừng thái chỉ – đường nào cũng nấu được nhưng ngon nhất là loại đường thẻ, loại đường bán tinh – dưới quê tôi còn kêu bằng đường tán, còn lẫn cả mật đường, hòa với mùi gừng thì mới thơm thơm, cay cay, ngòn ngọt đúng vị và ăn đỡ ngán. Khi nước đường sôi già, vớt sạch bọt – cho các viên chè vào, đợi sôi thêm một lần nữa là xong món chè ỷ rồi đó.

Chè ỷ được cúng vào ngày cuối năm do có hương vị ngọt ngào, viên tròn,… đối với cộng đồng người Hoa thì món chè này tượng trưng cho sự tốt đẹp trọn vẹn, viên mãn. Nếu chè ỷ dành cho người lớn tuổi thì phải thêm mì sợi và gừng. Gừng là “khương”, gần với “khương” là “khương kiện”. Mì là “miến”, gần với “miên” là “miên trường”. Còn đối với nhà tôi chè ỷ tượng trưng cho một năm đã viên mãn – chuẩn bị sang năm mới, thêm tuổi mới.

Khi cúng Đông Chí xong, cứ theo số tuổi của đám con nít trong nhà mà múc chén chè đầu tiên cho tụi nó. Chén đầu tiên thì phải ăn cho hết – nếu không thì không được lên tuổi đâu, má vợ tôi nói thế. May mắn là qua tuổi “nữ thập tam, nam thập lục” thì chỉ ăn tượng trưng, mừng được lên tuổi. (Cứ tưởng tượng thử ăn một lần 20, 30 hay 40 viên chè ỷ thì...).

Ngày nay nhà tôi không nấu chè ỷ vào ngày Đông Chí nữa, thay vào đó là đặt mua của một gian hàng ngoài chợ. Cũng lui cui cúng kiếng vào đêm Đông Chí, cũng đếm số viên chè cho các con ăn... nhưng với tôi nó không ngon như nồi chè khô cứng ngày xưa... Bây giờ thì vừa ăn chè, vừa chúc các con lên tuổi mới, chóng lớn, học giỏi... chúc cho vợ năm mới công việc, sức khỏe cũng viên mãn như viên chè... tự chúc bản thân cho mọi việc tròn vẹn, và lại thở dài... Lại thêm một tuổi, bắt đầu già đi rồi trong khi đó con cái còn non dại, sự nghiệp chưa có gì cả... Giờ thì mới biết tại sao hồi xưa má tôi lại gọi đó là món “Chè Bạc Đầu”...

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2008

Cafe sáng


Không biết từ bao giờ, cafe sáng đã trở thành thói quen của tôi.
Hồi còn nhỏ, sáng thức dậy thì tôi lại nấu nước, châm vào phin cafe mà Ba tôi uống từ sớm - uống cafe dão, nước nhì. Hồi đó thời buổi khó khăn, Ba tôi thì ghiền cafe, sáng thức sớm tự pha cafe uống - lúc ấy cafe thì ít mà bắp rang độn vào thì nhiều. Có lẽ từ những ly cafe dão đó đã dần dần hình thành thói quen uống cafe sáng.
Bây giờ thì sáng dậy sớm - hồi 2 năm trước thì đến 6h hơn mới dậy, 5h30 đón xe bus ra ngã tư Bình Phước, khoảng 6h10 thì ngồi nhâm nhi ly cafe đá, đọc báo, chờ 6h30 xe đưa rước lên công ty để bắt đầu công việc của một ngày.
Cũng không hiểu sao tôi lại thích cafe một mình. Ngồi cafe một mình đọc sách, đọc báo, còn không thì lắng nghe tiếng nhạc nhè nhẹ - tất nhiên là nhạc hợp gu rồi - thì thấy thú vị làm sao. Tôi không thích uống cafe trong khung cảnh ồn ào hoặc quán mở nhạc to quá. Lúc đó không còn thưởng thức được hương vị cafe cũng như không gian riêng của mình nữa.
Tôi thích uống cafe đá, đường ít thôi, để cafe còn đầy vị đắng, tan trên đầu lưỡi khi nhấp một ngụm đầu tiên. Đắng... đắng nhưng thú vị... Tôi không thích uống cafe pha từ cafe hoà tan - lúc đó cafe trở nên chua... chua chát lắm. Tôi cũng không thích uống cafe sữa - tôi thấy nó không phải là cafe .. của tôi! Tôi lại không quen uống đen nóng, lúc ấy hương cafe phai nhanh quá, không có cảm giác quen thuộc của cafe của tôi...
Nhưng cũng từ lâu rồi, chỉ có buổi sáng đi làm là còn ngồi uống cafe sáng, còn lại thì ít khi được dịp ngồi uống cafe một mình. Bây giờ chỉ còn mỗi buổi sáng Chủ Nhật là được ngồi uống cafe... với 2 ông con. Hì! Chắc là sau này tụi nó cũng sẽ giống bố ở cái tật uống cafe một mình đây...

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2008

Sương mai Đèo Cả


Sương Khuya
Ca sĩ: Duy Trác


Đèo Cả nằm ở địa phận ranh giới giữa Khánh Hoà và Phú Yên, trong các lần đi công tác, tôi qua lại đèo này không dưới chục lần. Tháng 07 năm 2002, trong chuyến đi hoả tốc ra Quảng Ngãi, chúng tôi đã lên Đèo Cả sớm hơn so với các lần đi khác và vì vậy đã bắt gặp một cảnh tưọng vô cùng thú vị.
Thông thường khi đi trên đường công tác ra Miền Trung, chúng tôi nghĩ đêm ở Nha Trang, sáng lên Đèo Cả thì cũng vào khoảng 10h00 hơn. Lần này do đi gấp nên khi chúng tôi bắt đầu đi lên đèo thì chỉ vào khoảng 7h30. Trời thì vừa qua cơn mưa, gió biển lồng lộng thổi vào xe, mang theo cái ẩm ướt pha chút lạnh lạnh đầu ngày, chút vị mằn mặn của biển. Mặt trời vừa lên, nắng ấm chiếu rực rở cả dãy núi xanh ngát mắt.
Qua một khúc ngoặc (cách chân đèo khoảng 3km) đường đèo chạy như đâm thẳng vào vách núi trước mặt, bất chợt nguyên dãy núi ánh lên như bạc: Các tán lá của dãy cây hoang trên núi, các dây leo... ngậm đầy những giọt sương khuya, qua góc chiếu bất ngờ của nắng sớm, phản xạ lại vào mắt người nhìn, cứ như cả dãy núi được dát đầy các hạt pha lê, lóng lánh, lấp lánh, huyền ảo.

Cảnh quan thật là ấn tượng, nhưng chỉ xuất hiện trong vòng 5 phút vì đường đi lên cao, mặt trời mọc lên cao đã làm thay đổi góc chiếu của nắng vào vách núi. Thật sự ngày hôm đó chứng kiến được chỉ có tôi và anh lái xe. Sau này, nếu có dịp đi qua Đèo Cả vào khoảng thời gian trên, các bạn thử để ý xem, biết đâu lại bắt gặp được cảnh quan thú vị giống như mình đã gặp.

Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2008

Chiếc khăn gió ấm





Em yêu,
Mấy hôm nay trời Sài gòn trở lạnh, Cún con ốm, cún cha cũng ốm... làm em vất vả nhiều.
Chiều hôm nay trời lất phất mưa, anh bất chợt tìm được bài hát này, bài hát thật giống những gì anh muốn nói, anh muốn gởi đến em.
Anh không quen nói những lời ngọt ngào với em, và em chắc cũng không quen nghe những lời "ớn lạnh" như vậy. Thôi thì anh gởi cho em bài hát này như lời lòng của anh, em hãy nghe và biết được anh nghĩ về em như thế nào, em nhé!



Ở bên kia bầu trời.
Về đêm chắc đang lạnh dần.
Và em giờ đây chìm trong giấc mơ êm đềm.
Gửi mây mang vào phòng.
Vòng tay của anh nồng nàn
Nhẹ nhàng ôm cho em yêu giấc ngủ ngon.

Ở bên nay bầu trời
Thì mưa cứ rơi hững hờ
Để tim anh cồn cào
Và da diết trong nỗi nhớ
Dường như anh nhớ về em.

Gửi cho em đêm lung linh
Và tiếng sóng nơi biển lớn
Gửi em những ngôi sao trên cao
Tặng em chiếc khăn gió ấm
Để em thấy chẳng hề cô đơn
Để em thấy mình gần bên nhau
Để em vững tin vào tình yêu hai chúng ta.
Rồi cơn mưa đêm qua đi
Ngày mai lúc em thức giấc
Nắng mai sẽ hôn lên môi em
Nụ hôn của anh ấm áp
Và em hãy cười nhiều em nhé
Vì em mãi là niềm hạnh phúc.... của anh mà thôi.

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2008

Nghề & Nghiệp

Chia sẽ với anh em trong phòng một chặng đường đã qua.

Thông thường khi giới thiệu để làm quen, chúng ta hay nhắc đến tên tuổi và nghề nghiệp. Ừ, thì thường là như vậy, nhưng chúng ta nào có để ý đến "nghề" là gì và "nghiệp" là gì đâu, phải không?
Chưa tin à? Thì thôi, tạm lấy lý lịch trích ngang của anh để làm dẫn chứng vậy:
Họ Và Tên:.............................................
Tên thường gọi:........ Bí danh:...................
Ngày tháng năm sinh:......., nơi sinh: ..........
Nguyên quán:.........................................
Trình độ văn hoá: 12/12
Trình độ chuyên môn: Đại Học
Chuyên môn: Kỹ Sư Công nghệ Hoá Học & Thực phẩm.
Nghề nghiệp: Trưởng phòng Kinh Doanh - Nghiệp vụ.
...............

Đấy, thấy mâu thuẩn chưa? Vẫn chưa nhận ra à? Thì đấy: anh được đào tạo "nghề" là kỹ thuật, nhưng công việc hiện tại ("nghiệp") lại làm kinh doanh đó thôi!

Nghĩ lại thì cũng lạ, nghề truyền thống gia đình của anh là nằm trong 3 ngành: ngân hàng - kế toán - kỹ thuật. Do vậy khi đi học, nhà của anh cũng chỉ quanh quẩn ở 3 nghề này. Anh thì ham thích kỹ thuật - dân chuyên Lý mà, theo nghề Hoá là do đi theo chị Hai và anh Năm. Hồi xưa anh sợ (có thể nói là ghét - và giờ thì nghiệm ra "ghét của nào, trời trao của ấy") việc kinh doanh buôn bán - anh sợ tính toán chi ly từng đồng từng cắc, rồi sợ bán đắt, bán ế, nợ vốn, quỵt tiền... Do vậy khi thi đại học anh chọn Bách Khoa chứ không chọn Kinh Tế dù trong thời điểm đó với đối tượng được xếp là 11 thì thi Đại Học Bách Khoa rất khó có cơ may đậu nổi.
Khi ra trường anh về đây làm việc thì cũng chỉ là Kỹ Sư Hoá. Thế nhưng xui khiến làm sao anh đam mê vi tính, nên vọc vạch vẽ vời,. Thế là lại bị đưa qua thiết kế đồ hoạ - rồi từ đó anh có cơ hội tiếp xúc, làm việc nhiều với khách hàng. Có duyên ăn nói, cộng với việc am hiểu công nghệ của công ty, thêm vào một vài yếu tố thiên thời địa lợi đã giúp công ty ký được hợp đồng với một số khách hàng quan trọng, làm cơ sở cho sự phát triển của công ty. Chính vì vậy anh lại được chuyển sang phòng Kinh doanh tổng hợp.
Với một ít kiến thức công nghệ, thiết bị - cộng thêm một chút khéo léo trong việc cân đối điều động sản xuất, từ từ anh nắm cả 2 mảng Kinh doanh và Kế Hoạch, rồi được bổ nhiệm làm trưởng phòng ở tuổi 33. Tuy nhiên lúc này mới thực sự bộc lộ điểm yếu của anh: non tay về quản lý - bao biện trong công việc và đặc biệt là quá tin và thương người. Bắt đầu tìm cách bù đắp vào thì thời gian đó công ty lại phát triển mạnh mẽ, anh thường xuyên đi tỉnh thành, đi ra Bắc... thành ra muốn học cũng không học được. Cũng trong thời gian này anh có gia đình riêng của mình, có tổ ấm riêng của 2 vợ chồng và một thằng con, bao nhiêu lo toan thì dồn vào lo cho gia đình. Sau nữa thì Công ty lại dọn ra Bình Dương, đi làm về đến SG thì đã 6 - 7 giờ tối, anh lại thêm một nhóc nữa, quỹ thời gian ngày càng hẹp đi, cơ hội học thêm lại càng bớt dần. Hơn nữa, tuổi dần đã lớn, trí lực cũng sút giảm nhiều, làm anh lại càng ngại học thêm. Mấy lần định thi Cao học nhưng lại huỷ vì không "tiêu" nổi món Toán Cao Cấp và không qua được Ngoại ngữ.

Người xưa từng có câu (ý nghĩa hơi lẩm cẩm một chút) "Gái sợ chọn lộn chồng, trai sợ chọn lộn nghề". Đôi lúc vẫn tự nhủ "Biết thế hồi đó thi quách vào kinh tế cho xong", nhưng chắc gì học Kinh tế mà anh có được công việc và sự nghiệp như hiện nay. Có tiếc nuối là tiếc khoảng thời gian đầu khi mới chuyển sang kinh doanh, anh lại lười đi học bổ túc văn bằng - lúc đó chưa vợ, chưa con, anh ham chơi lắm... Do vậy hiện nay các em đang làm trong phòng Kinh Doanh với anh, đứa thì học QTKD, đứa thì học Ngoại thương, đứa thì học Marketting... về chuyên môn thì tương đối đúng nghề hơn anh nhiều, tuy nhiên hiện tụi em còn đang trẻ, nếu được thì cứ tích luỹ thêm kiến thức khi có thể, đừng để rồi sau này lại hối tiếc như anh.

Anh thì bây giờ vẫn yêu nghề kỹ thuật lắm, nhưng nghiệp Kinh Doanh đã theo anh 12 năm nay - nhiều hơn gấp đôi thời gian làm kỹ thuật - do vậy thật khó bỏ. Nếu có bỏ thì hiện tại anh cũng không còn thời gian để làm lại từ đầu, thôi thì đành cởi hổ vậy...
Vậy thì rốt cuộc định nghĩa với tụi em "nghề" và "nghiệp" như thế nào nhỉ? Thôi, cho anh nói gọn lại: "Nghề" là do mình chọn để học - còn "Nghiệp" là tự nó chọn mình rồi gắn kết với mình đến hết đời.

Non nước Ninh Bình



Ninh Bình, vùng đất nhiều di tích lịch sử, vùng đất của Cờ Lau, của Hoàng hậu hai triều... Trong các chuyến đi công tác, tôi thường xuôi ngược trên đường Hà Nội - Thanh Hoá, và vì vậy không ít lần phải đi qua Ninh Bình.
Trước đây tôi từng xem các tranh thuỷ mặc, cứ cho rằng sơn thuỷ trong tranh chỉ là sự tưởng tượng của con người. Cho đến khi tôi tận mắt nhìn thấy các dãi núi trùng trùng điệp điệp của vùng đá vôi Ninh Bình.
Lãng đãng mây bay, núi xa, núi gần mờ mờ, hiện hiện. Các quả núi xanh lục thẫm, chàm chàm cứ tròn tròn như bát úp, lượn lờ hằn lên nền trời xanh xám xa xa như nét vẽ mểm mại trên nền lụa. Núi non kết hợp với đồng lúa đương thì, xanh mướt mắt, thỉnh thoảng một dòng sông lượn quanh. Đúng nghĩa là như bức tranh thuỷ mặc, không biết làm sao để diễn tả cho hết.
Nhưng một điều rất đau lòng là việc khai thác đá vôi cho các nhà máy xi măng đã bôi bẩn đi bức tranh tuyệt vời ấy. Giữa cảnh núi non trùng điệp, ẩn hiện trong mây lại xuất hiện một mảng sườn núi bị khai tác loang lỗ. Màu đá hoà đất nâu nâu, đỏ đỏ xé toạc nham nhở trên nền núi mờ xanh - cứ như vết loét loang máu trên cánh tay trần của một cô gái đẹp. Thật đau lòng...
Tôi cố gắng quên đi, "giả vờ" như không thấy, nhưng nó cứ lồ lộ, đập, xoáy vào mắt, bắt buộc phải nhìn thấy. Quay bên này thì cũng thế, bên kia thì cũng thế. Sao chúng ta khai thác vô tội vạ đến thế nhỉ? Sao không khai thác ở mặt sau, sườn núi không quay ra đường ấy để "xấu che - tốt khoe"? Hay tại sao không tập trung khai thác ở một khu nào đó thôi, còn lại thì để cảnh quan thiên nhiên, để làm du lịch chứ nhỉ. Hay... (tôi tự nghĩ), định thực hiện phương châm "Xấu đều ở các nơi thì đâu đâu cũng là đẹp"?
Thực chán cho ngành DL ở VN - chán cho cách bảo tồn di sản, cảnh quan. Cứ như thế này, chẳng mấy chốc đi ngang qua Ninh Bình, tôi lại phải che mắt vì xốn xang, vì xấu hổ. Thực buồn cho vùng Cố đô - buồn cho mảnh đất của người đẹp Dương Vân Nga...

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2008

Đường đèo D'RAN




- Reng.... Reng... Anh ơi, cho em xin phép nghĩ - Ba em vừa mất... Em đưa về quê để an táng... 22h00 ngày thứ Bảy giửa tháng Tám, tôi nhận được điện thoại của đứa em trong phòng thông báo. Lập tức tôi nhắn tin cho tất cả các nhân viên trong phòng, các phòng ban liên quan.
8h00 ngày Chủ Nhật, qua điện thoại, tiến hành liên hệ xe pháo, thông báo, sắm sửa... Đến 14h00 chúng tôi lên đường để đến chia buồn cùng gia quyến của người em.

Quê quán của đứa em ở D'Ran - Đơn Dương, Lâm Đồng. Thú thực là từ nhỏ đến lúc ấy tôi chưa từng đến Đà Lạt. Tôi rất dị ứng với việc nghe các thông tin phản cảm của thành phố này, do vậy hễ cứ bàn đi Đà Lạt thì tôi lại gạt ngang. Lần ấy là lần tôi đi trên đường Sài Gòn - Đà Lạt.
Đến 22h00 tối Chủ Nhật chúng tôi đến nhà của đứa em. Sau khi hoàn tất các công việc thăm viếng, chia buồn, đoàn quyết định đi lên Đà Lạt nghĩ đêm. Thay vì quay xe trờ về ngã ba Phi Nôm (gần 30 km), chúng tôi quyết định đi lên bằng đường đèo D'Ran.
Đường đèo D'Ran không phải là đường mới, nhưng do trong đoàn chưa ai đi qua (kể cả lái xe) nên chúng tôi vừa đi vừa dò...

Trời hôm đó mưa bay lất phất, đường tối, thỉnh thoảng mới có được một vài ngọn đèn đường ở các khu dân cư tập trung. Đường vắng lặng, hai bên thông mọc chi chít, thấp thoáng qua ánh đèn pha, từng dãi mây nhè nhẹ, lãng đãng trôi qua chúng tôi... Xe chạy êm êm trong đêm, bánh xe nghiến vào mặt đường lạo xạo. Bọn chúng tôi tụm lại, căng mắt nhìn ra bên ngoài, tất cả vừa mệt, vừa đói, vừa hết chuyện để tám nên chỉ còn biết im lặng nghe nhạc và chờ...
Đi được một đoạn, khi lên trên đỉnh dốc, mấy đứa chỉ trỏ vầng sáng trước mặt đoán già đoán non đó là thành phố Đà Lạt... Nhưng khi qua con đồi thì tất cả chợt ồ lên: thì ra quầng sáng đó chỉ là các luống đèn trong trang trại hoa trước mặt, thắp lên để thay ánh sáng mặt trời nhằm kích thích hoa trái vụ.
Các luống đèn tập trung thành từng dãy song song, nắm trong các nhà kính trồng hoa, trong đêm tối, lóng lánh như dãy đèn trang trí trên cây thông Noel. Chúng tôi bất ngờ trước cảnh tượng ấy - cứ lặng ra mà nhìn, quên cả chụp lấy một tấm ảnh làm kỷ niệm.
Bất chợt tôi lại nhớ đến dãy đèn của các vườn Thanh Long ở Phan Thiết, các ánh đèn câu mực khi đi qua Quy Nhơn, dãy đèn pha của xe ô tô trên đoạn đường vượt đèo Cả..., nhưng cảnh quang ở đây thú vị hơn nhiều: sương giăng giăng, mây lãng đãng trôi, trời đêm tối đen như mực chợt lấp lóe ánh đèn sáng như chuỗi ngọc trong đêm.
Ánh đèn soi sáng các luống hoa được trồng trong trang trại, đêm thì đen và mềm như nhung, nhạc bất chợt ngân lên



Một đàn chim tóc trắng
Bay về qua trần gian
Báo tin rằng: Có nàng Giáng Hương
Nàng ngồi trên cung vắng
Trong một đêm tàn trăng
Phá then vàng bước vào vườn hoang.

Không gian chợt lạnh đi, mờ ảo - chúng tôi vừa đi vào một cụm mây dày. Từng giọt nước tụ lại trên mặt kính, lặng lẽ chảy dài theo tiếng hát...

Không gian tràn dâng niềm thương
Rồi tiếng hát xui cuộc tình duyên
Bao nhiêu nàng tiên nỉ non
Làm huyên náo Thiên Đường lạnh lẽo.

Trời đầy cô tiên nữ
Xuống đầu thai thành hoa
Giữa đêm mờ, hoa nở ngát hương

Tiếng hát cứ ngân dài theo từng ánh mắt dõi nhìn...
Đêm hôm ấy chúng tôi đến Đà Lạt, nhận phòng là đã 0h30. Trùm chăn nằm nghe tiếng mưa đêm tí tách gỏ trên mái, tôi tự hỏi chẳng biết đêm nay Giáng Hương có xuống trần thành hoa?
Nhưng dù gì đi nữa, nếu Giáng Hương có xuống trần trong đêm nay, cùng cảnh ngộ như chúng tôi, chắc Giáng Hương sẽ ở lại trần gian mãi...

Người về trong đêm tối
Ôm cành hoa tả tơi
Bóng in dài gác đời lẻ loi...

Chuyến đi đêm hôm ấy thật bất ngờ đối với tôi. Cảnh đêm cũng thật bất ngờ với cả đoàn. Có lẽ cảnh ấy không bao giờ gặp lại được, cũng có thể là gặp lại, nhưng có lẽ sẽ không còn những cảm xúc bất ngờ nữa... Ôi đường đèo D'Ran trong một đêm mưa tháng Tám...

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

Huyền thoại Ngũ Hành Sơn







Sự tích Ngũ Hành Sơn: Ngày xưa, nơi đây là vùng biển hoang vu, chỉ có một ông già sống đơn độc trong túp lều tranh. Một hôm, trời đang sáng bỗng nhiên tối sầm, giông bão nổi lên, một con giao long rất lớn xuất hiện vùng vẫy trên bãi cát và một quả trứng khổng lồ từ từ lăn ra ở dưới bụng. Sau đó giao long quay ra biển đi mất. Lát sau, một con rùa vàng xuất hiện, tự xưng là Thần Kim Quy, đào cát vùi quả trứng xuống và giao cho ông già nhiệm vụ bảo vệ giọt máu của Long Quân. Quả trứng càng ngày càng lớn, nhô lên cao chiếm cả một vùng đất rộng lớn. Vỏ trứng ánh lên đủ màu sắc xanh, đỏ, trắng, vàng, tím lấp lánh như một hòn ngọc khổng lồ. Một hôm, ông lão vừa chợp mắt thì nghe có tiếng lửa cháy, ông cầu cứu móng Rùa - vật mà Thần Kim Quy đã giao lại cho ông lúc ra đi và trong lòng trứng hiện ra một cái hang rộng rãi, mát mẻ. Ông đặt lưng xuống ngủ thiếp luôn và không biết đang xảy ra một phép lạ: một cô gái xinh xắn bước ra từ trong trứng và nơi ông nằm là một trong năm hòn đá cẩm thạch vừa được hình thành từ năm mảnh vỏ của quả trứng. (theo Kho Tàng Truyện cổ tích Việt Nam - Nguyễn Đổng Chi)
Tôi đã đọc Sự tích này từ lâu lắm, nên cũng có đôi chút tò mò, muốn đến thăm Ngũ Hành Sơn cho thoả chí. Tuy nhiên đến Đà Nẵng cũng nhiều nhưng thực sự chỉ ghé qua Ngũ Hành Sơn được đúng 1 lần, theo kiểu "cỡi xe xem núi".
Tổng quan núi thì không cao lắm, phía ngoài đường nhìn vào thì khuất sau các dãy nhà. Phong cảnh nhìn từ xa - có lẽ do góc nhìn không được đẹp - là ...không thấy gì cả.

Hôm nay nghe lại "Huyền thoại Ngũ Hành Sơn" của Vũ Đức Sao Biển, chợt ấm ức vì chuyến đi chưa trọn, leo lên mạng tra cứu thông tin thì cũng được kha khá:

Theo Wikipedia:
Ngũ Hành Sơn là tên gọi chung của năm ngọn núi thuộc Đà Nẵng.

Đây là nhóm núi đá (trong đó có cả đá cẩm thạch) nằm kề với biển, liền sông được vua Minh Mang đặt tên mỗi ngọn núi tượng trưng cho các yếu tố cấu thành vũ trụ là Kim Sơn, Thuỷ Sơn, Thổ Sơn, Mộc Sơn và Hoả Sơn.

Ngũ Hành Sơn nằm cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 5 km về phía đông nam, trên một bãi cát mênh mông gần bờ biển, thuộc làng Hoà Khuê, ấp Sơn Thủy, huyện Hoà Vang. Thuở xa xưa người Chiêm Thành, thờ thần linh theo tín ngưỡng của họ, ngày nay còn lưu lại di tích qua những tượng thần bằng đá, những đền tháp và hình tượng khắc trong vách đá ở Chùa Linh Ứng, trong động Huyền Không.

  • Kim sơn (Metall - metal) là hòn núi khiêm tốn nhất trong 5 ngọn núi kéo dài từ đông sang tây, sông Trường nối dài ra sông Đà Nẵng, có đò Bến ngự ngày xưa Vua chúa thường cập bến nơi đây để ngọan cảnh, qua thời gian biển dâu biến thành ruộng đồng, sông Trường có tên „Lộ Cảnh Giang là sông Cổ Cò“, đã bị vùi lấp biến thành ruộng hoặc hồ nước còn dấu tích của những đoạn sông chưa bị lấp kín
  • Mộc sơn (Holz - wood) phiá đông nam nằm song song với núi Thủy sơn dù mang tên là mộc, nhưng cây cối mọc rất ít núi cũng có hang động nhỏ, Mộc sơn có khối đá cẩm thạch trắng giống hình người
  • Thuỷ sơn (Wasser - water) phiá đông bắc là núi đẹp nhất, du khách thường đến ngoạn cảnh gọi là Chùa Non Nước, phong cảnh hữu tình có thể nói núi Thủy sơn nằm dài từ đông sang tây rộng 15 ha, có nhiều Chùa được xây cất lâu đời, có động Thạch nhũ, có hai chùa đẹp chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng, đường lên núi làm bằng từng cấp lót đá, trên đỉnh 3 ngọn núi mang tên là "Tam Thai" bởi vì nó giống như "Sao Tam Thai" tức là 3 ngôi sao làm thành cái đuôi của chùm sao Đại Hùng Tinh. Du khách từ vùng biển muốn lên thăm Linh Ứng phải bước lên khoảng 108 tầng cấp, nếu đến chùa Tam Thai nằm ở phiá nam phải đi xa hơn những tầng cấp dài 156 bậc. Ngày nay phần lớn du khách đến Thuỷ sơn bằng xe từ đường Huyền Trân, hai bên đường là làng chuyên về nghề điêu khắc tạc tượng, bằng đá cẩm thạch
  • Hỏa sơn (Feuer - fire) ngọn núi hướng về phiá tây nam sườn núi hiểm dốc hang động hoàn toàn im lặng, đối diện với hòn Kim Sơn, bên trái đường Sư Vạn Hạnh, trên dãy núi Hỏa sơn còn lại những đống gạch vụn từng mảnh hay đôi khi nguyên vẹn, trong những hố đá gạch sụp lở đó là di tích đền tháp của người Chiêm Thành. Hoả sơn nơi người ta khai thác lấy đá cẩm thạch. Đá cẩm thạch non nước có nhiều vân, sắc đẹp hồng, xám, trắng, những loại đá khác nhau rất hữu ích cho công nghiệp, đá vụn để trãi đường, tô tường nhà. Hỏa Sơn gồm có một hòn Âm và một hòn Dương, nối liền với nhau bằng một đường đá thiên tạo nhô cao hẳn lên.
    Hòn Âm Hỏa Sơn nằm phía đông, gần đường Lê Văn Hiến, chóp núi tròn nhô lên cao hơn. Sườn núi có nhiều thớ đá nằm nghiêng và chạy nghiêng cắt ra từng đoạn, cây cối mọc ở các kẻ đá, ở mỏm núi phía đông có một cái hang thông từ sườn phía nam ra sườn phía bắc. Nhân dân địa phương thường đi theo đường này đến các hòn Kim Sơn và Thổ Sơn.
    Hòn Dương Hỏa Sơn nằm ở phía tây. Ngày xưa, khi còn giao lưu được giữa Hội An và Đà Nẵng bằng đường thủy, ở đây có một bến sông, ghe thuyền đi về buôn bán vô cùng tấp nập. Trên bờ sông, sát chân hòn Dương Hỏa Sơn có khu miếu Ông Chài, hiện đã bị đổ nát. Tên dân dã "núi Ông Chài" có thể bắt nguồn từ đó. Tại một điểm cao trên sườn núi cheo leo, vách đá thẳng đứng, phía bắc Dương Hỏa Sơn nhìn về phía Kim Sơn, có ba chữ Hán lớn, nhìn từ xa rất rõ "Dương Hoả Sơn" và một dòng chữ nhỏ phải đến gần mới thấy : "Sắc Minh mạng thập bát niên thất nguyệt nhật cát lợi".
  • Thổ sơn (Erde - earth) là núi thấp nằm chính giữa có dạng vuông, cạnh không đều nhau, Thổ sơn không có phong cảnh đẹp chỉ có đất sét đỏ và đá cát lẫn lộn. Theo truyền thuyết Thổ sơn là nơi linh địa ngày xưa người Chiêm Thành đồn trú nơi đây, còn tìm thấy những nét về văn minh người Chiêm Thành điêu khắc vào đá như một cứ điạ từ đó xuất phát đi cướp phá các vùng biển có tàu buôn đi từ Trung hoa xuống đến vùng biển Mã lai. Thổ sơn thấp bao quanh những ngọn núi cao hơn.
Theo saigon.nguoihanoi.net thì:

Thuỷ Sơn là hòn núi lớn và đẹp nhất trong khu danh thắng, đỉnh gồm ba ngọn nằm ba tầng giống như ba ngôi sao Tam Thai nên có tên gọi là núi Tam Thai.Ngọn cao nhất 106m ở phía tây bắc gọi là Thượng Thai gồm có Vọng Giang Đài, chùa Tam Thai,chùa Từ Tâm,động Hoàng Cung, động Hoa Nghiêm, động Linh Nham, thạch động Huyền Không,… Ngọn phía nam thấp hơn gọi là Trung Thai, nơi đây du khách sẽ nhìn thấy Cổng Trời, hang gió Tây, hang gió Đông, động Vân Thông, động Thiên Long, hang Vân Nguyệt,… Ngọn phía đông hơi nhô cao lên gọi là Hạ Thai gồm có Vọng Hải Đài, chùa Linh Ứng, động Tàng Chơn, Bàn Cờ, giếng Tiên và động Âm Phủ,…
Lên khỏi 156 bậc cấp đá hoa cương là cổng Tam Quan cổ kính dẫn vào chùa Tam Thai, nơi vẫn còn lưu giữ được “quả Tim Lửa” và chiếc chuông khắc tên vua Minh Mạng.Từ Vọng Giang Đài, Vọng Hải Đài du khách thoả thích ngắm nhìn cảnh làng quê thanh bình bên dòng sông Cổ Cò cùng với biển cả bao la.
Cảnh sắc hang động thật kỳ vĩ - ánh sáng mặt trời len lỏi qua các ngách đá, thạch nhũ tạo ra với nhiều hình hài khác nhau rất ấn tượng, du khách có thể cảm nhận bằng chính sự chiêm nghiệm, khám phá của mình.

Ở phía tây khu danh thắng Ngũ Hành Sơn có nhiều hang động thiên nhiên cảnh sắc đẹp. Ở ngọn Kim Sơn có chùa Thái Sơn, chùa và động Quán Thế Âm, hang Tam Thanh. Ngọn Hoả Sơn có chùa Linh Sơn, động Huyền Vi, chùa và động Phổ Đà Sơn.Tham quan động Quán Thế Âm và Huyền Vi du khách không khỏi ngạc nhiên thú vị trước hình tượng của Phật được tạo ra từ thạch nhũ rất sinh động. Hoà thượng Thích Phán Nhẫn phát hiện ra động Quán Thế Âm vào năm 1956, cửa động cách chân núi khoảng mười mét, đường vào động là những bậc đá tự nhiên đi sâu xuống lòng núi. Ngay phía đối diện cửa động là một khối thạch nhũ tạo thành hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát rất hoàn chỉnh, cân phân, thanh tú. Một lớp da đá lấp lánh như kim tuyến bề ngang hơn gang tay phủ từ bờ vai phải chạy dài đến hết thân tượng, bàn tay phải có nâng bình nước cam lồ. Trong động còn có bộ tam khí của nhà Phật gồm chuông, trống và mõ bằng đá với những âm thanh rất chuẩn và thật. Cuối động là hồ nước mát lạnh, trong suốt quanh năm gọi là hồ nước Cam Lồ. (nguồn http://saigon.nguoihanoi.net/forum/archive/index.php/t-1775.html)

Vân vân và vân vân...

Hạc xưa bay rồi, bạc đầu biển gọi
Mẹ Trưòng Sơn cho năm đứa con về ở với người
Năm cụm Ngũ Hành như năm ngón tay chia bùi sẽ ngọt
Đời đời sóng vỗ ru người âm vọng trùng khơi

Tuy nhiên đến khu vực Non Nước - Ngũ Hành Sơn, tôi chỉ nhớ đến khu làng đá mỹ nghệ dưới chân núi, dọc hai bên đường. Đá cẩm thạch qua bàn tay gia công khéo léo đã trở thành những tượng, những quả trứng, những lồng đèn.. tuyệt mỹ. Đến thăm thì thế nào củng phải mua một cái gì đó gọi là kỷ niệm. Tôi thì chỉ chọn một con chim cú bằng cẩm thạch trắng - con chim cú của Athena. Con cú ở trên bàn làm việc củ của tôi, hàng ngày ngó nghiên lục vấn tôi với cặp mắt đầy trí tuệ: "Lãn công à?... Khó khăn sao?... Ách tắc không giải quyết được à?...". Tiếc rằng trong lúc dọn văn phòng lên nhà máy mới nó đã vỡ tan do sự bất cẩn của mình.

Ai xui đá cũng có trái tim
Cũng biết yêu em nên ngàn năm rớt giọt tơ vàng
Cách chia đôi đàng, nhớ bạn tình chung...

Ai quên đá cũng có trái tim
Cũng rung lên bao lời ru biển hẹn non mòn
Nhớ nhau quay về, uống cạn ngàn ly...


Thế nhưng tôi lại lo xa... Lo cho với đà khai thác này thì liệu mấy chốc "núi xanh hoá nương dâu" như vùng Thoại Sơn đầy di tích của An Giang đã muốn thành bình địa do hơn 40 năm khai thách đá xây dựng, làm đường. Khi đó không khỏi cảm thán mà rằng: "Ai xui đá cũng có trái tim... Ai quên đá cũng có trái tim...". Nhưng có lẽ đó là tôi lo xa thôi...

Qua đây gió tưởng nhớ đến ai
Phảng phất hương hoa của ngàn năm vòc ngọc da ngà
Cỏ cây sơn hà thấm đượm tình ta.

Núi non hùng vĩ, di tích lại nhiều, nhưng rất tiếc là do điều kiện thời gian không cho phép, tôi chỉ lướt qua. Có lẽ phải hẹn một dịp khác, tôi sẽ phải quay lại với Ngũ Hành Sơn, với câu hứa "nhớ nhau quay về, uống cạn ngàn ly"...