Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2008

Chiếc khăn gió ấm





Em yêu,
Mấy hôm nay trời Sài gòn trở lạnh, Cún con ốm, cún cha cũng ốm... làm em vất vả nhiều.
Chiều hôm nay trời lất phất mưa, anh bất chợt tìm được bài hát này, bài hát thật giống những gì anh muốn nói, anh muốn gởi đến em.
Anh không quen nói những lời ngọt ngào với em, và em chắc cũng không quen nghe những lời "ớn lạnh" như vậy. Thôi thì anh gởi cho em bài hát này như lời lòng của anh, em hãy nghe và biết được anh nghĩ về em như thế nào, em nhé!



Ở bên kia bầu trời.
Về đêm chắc đang lạnh dần.
Và em giờ đây chìm trong giấc mơ êm đềm.
Gửi mây mang vào phòng.
Vòng tay của anh nồng nàn
Nhẹ nhàng ôm cho em yêu giấc ngủ ngon.

Ở bên nay bầu trời
Thì mưa cứ rơi hững hờ
Để tim anh cồn cào
Và da diết trong nỗi nhớ
Dường như anh nhớ về em.

Gửi cho em đêm lung linh
Và tiếng sóng nơi biển lớn
Gửi em những ngôi sao trên cao
Tặng em chiếc khăn gió ấm
Để em thấy chẳng hề cô đơn
Để em thấy mình gần bên nhau
Để em vững tin vào tình yêu hai chúng ta.
Rồi cơn mưa đêm qua đi
Ngày mai lúc em thức giấc
Nắng mai sẽ hôn lên môi em
Nụ hôn của anh ấm áp
Và em hãy cười nhiều em nhé
Vì em mãi là niềm hạnh phúc.... của anh mà thôi.

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2008

Nghề & Nghiệp

Chia sẽ với anh em trong phòng một chặng đường đã qua.

Thông thường khi giới thiệu để làm quen, chúng ta hay nhắc đến tên tuổi và nghề nghiệp. Ừ, thì thường là như vậy, nhưng chúng ta nào có để ý đến "nghề" là gì và "nghiệp" là gì đâu, phải không?
Chưa tin à? Thì thôi, tạm lấy lý lịch trích ngang của anh để làm dẫn chứng vậy:
Họ Và Tên:.............................................
Tên thường gọi:........ Bí danh:...................
Ngày tháng năm sinh:......., nơi sinh: ..........
Nguyên quán:.........................................
Trình độ văn hoá: 12/12
Trình độ chuyên môn: Đại Học
Chuyên môn: Kỹ Sư Công nghệ Hoá Học & Thực phẩm.
Nghề nghiệp: Trưởng phòng Kinh Doanh - Nghiệp vụ.
...............

Đấy, thấy mâu thuẩn chưa? Vẫn chưa nhận ra à? Thì đấy: anh được đào tạo "nghề" là kỹ thuật, nhưng công việc hiện tại ("nghiệp") lại làm kinh doanh đó thôi!

Nghĩ lại thì cũng lạ, nghề truyền thống gia đình của anh là nằm trong 3 ngành: ngân hàng - kế toán - kỹ thuật. Do vậy khi đi học, nhà của anh cũng chỉ quanh quẩn ở 3 nghề này. Anh thì ham thích kỹ thuật - dân chuyên Lý mà, theo nghề Hoá là do đi theo chị Hai và anh Năm. Hồi xưa anh sợ (có thể nói là ghét - và giờ thì nghiệm ra "ghét của nào, trời trao của ấy") việc kinh doanh buôn bán - anh sợ tính toán chi ly từng đồng từng cắc, rồi sợ bán đắt, bán ế, nợ vốn, quỵt tiền... Do vậy khi thi đại học anh chọn Bách Khoa chứ không chọn Kinh Tế dù trong thời điểm đó với đối tượng được xếp là 11 thì thi Đại Học Bách Khoa rất khó có cơ may đậu nổi.
Khi ra trường anh về đây làm việc thì cũng chỉ là Kỹ Sư Hoá. Thế nhưng xui khiến làm sao anh đam mê vi tính, nên vọc vạch vẽ vời,. Thế là lại bị đưa qua thiết kế đồ hoạ - rồi từ đó anh có cơ hội tiếp xúc, làm việc nhiều với khách hàng. Có duyên ăn nói, cộng với việc am hiểu công nghệ của công ty, thêm vào một vài yếu tố thiên thời địa lợi đã giúp công ty ký được hợp đồng với một số khách hàng quan trọng, làm cơ sở cho sự phát triển của công ty. Chính vì vậy anh lại được chuyển sang phòng Kinh doanh tổng hợp.
Với một ít kiến thức công nghệ, thiết bị - cộng thêm một chút khéo léo trong việc cân đối điều động sản xuất, từ từ anh nắm cả 2 mảng Kinh doanh và Kế Hoạch, rồi được bổ nhiệm làm trưởng phòng ở tuổi 33. Tuy nhiên lúc này mới thực sự bộc lộ điểm yếu của anh: non tay về quản lý - bao biện trong công việc và đặc biệt là quá tin và thương người. Bắt đầu tìm cách bù đắp vào thì thời gian đó công ty lại phát triển mạnh mẽ, anh thường xuyên đi tỉnh thành, đi ra Bắc... thành ra muốn học cũng không học được. Cũng trong thời gian này anh có gia đình riêng của mình, có tổ ấm riêng của 2 vợ chồng và một thằng con, bao nhiêu lo toan thì dồn vào lo cho gia đình. Sau nữa thì Công ty lại dọn ra Bình Dương, đi làm về đến SG thì đã 6 - 7 giờ tối, anh lại thêm một nhóc nữa, quỹ thời gian ngày càng hẹp đi, cơ hội học thêm lại càng bớt dần. Hơn nữa, tuổi dần đã lớn, trí lực cũng sút giảm nhiều, làm anh lại càng ngại học thêm. Mấy lần định thi Cao học nhưng lại huỷ vì không "tiêu" nổi món Toán Cao Cấp và không qua được Ngoại ngữ.

Người xưa từng có câu (ý nghĩa hơi lẩm cẩm một chút) "Gái sợ chọn lộn chồng, trai sợ chọn lộn nghề". Đôi lúc vẫn tự nhủ "Biết thế hồi đó thi quách vào kinh tế cho xong", nhưng chắc gì học Kinh tế mà anh có được công việc và sự nghiệp như hiện nay. Có tiếc nuối là tiếc khoảng thời gian đầu khi mới chuyển sang kinh doanh, anh lại lười đi học bổ túc văn bằng - lúc đó chưa vợ, chưa con, anh ham chơi lắm... Do vậy hiện nay các em đang làm trong phòng Kinh Doanh với anh, đứa thì học QTKD, đứa thì học Ngoại thương, đứa thì học Marketting... về chuyên môn thì tương đối đúng nghề hơn anh nhiều, tuy nhiên hiện tụi em còn đang trẻ, nếu được thì cứ tích luỹ thêm kiến thức khi có thể, đừng để rồi sau này lại hối tiếc như anh.

Anh thì bây giờ vẫn yêu nghề kỹ thuật lắm, nhưng nghiệp Kinh Doanh đã theo anh 12 năm nay - nhiều hơn gấp đôi thời gian làm kỹ thuật - do vậy thật khó bỏ. Nếu có bỏ thì hiện tại anh cũng không còn thời gian để làm lại từ đầu, thôi thì đành cởi hổ vậy...
Vậy thì rốt cuộc định nghĩa với tụi em "nghề" và "nghiệp" như thế nào nhỉ? Thôi, cho anh nói gọn lại: "Nghề" là do mình chọn để học - còn "Nghiệp" là tự nó chọn mình rồi gắn kết với mình đến hết đời.

Non nước Ninh Bình



Ninh Bình, vùng đất nhiều di tích lịch sử, vùng đất của Cờ Lau, của Hoàng hậu hai triều... Trong các chuyến đi công tác, tôi thường xuôi ngược trên đường Hà Nội - Thanh Hoá, và vì vậy không ít lần phải đi qua Ninh Bình.
Trước đây tôi từng xem các tranh thuỷ mặc, cứ cho rằng sơn thuỷ trong tranh chỉ là sự tưởng tượng của con người. Cho đến khi tôi tận mắt nhìn thấy các dãi núi trùng trùng điệp điệp của vùng đá vôi Ninh Bình.
Lãng đãng mây bay, núi xa, núi gần mờ mờ, hiện hiện. Các quả núi xanh lục thẫm, chàm chàm cứ tròn tròn như bát úp, lượn lờ hằn lên nền trời xanh xám xa xa như nét vẽ mểm mại trên nền lụa. Núi non kết hợp với đồng lúa đương thì, xanh mướt mắt, thỉnh thoảng một dòng sông lượn quanh. Đúng nghĩa là như bức tranh thuỷ mặc, không biết làm sao để diễn tả cho hết.
Nhưng một điều rất đau lòng là việc khai thác đá vôi cho các nhà máy xi măng đã bôi bẩn đi bức tranh tuyệt vời ấy. Giữa cảnh núi non trùng điệp, ẩn hiện trong mây lại xuất hiện một mảng sườn núi bị khai tác loang lỗ. Màu đá hoà đất nâu nâu, đỏ đỏ xé toạc nham nhở trên nền núi mờ xanh - cứ như vết loét loang máu trên cánh tay trần của một cô gái đẹp. Thật đau lòng...
Tôi cố gắng quên đi, "giả vờ" như không thấy, nhưng nó cứ lồ lộ, đập, xoáy vào mắt, bắt buộc phải nhìn thấy. Quay bên này thì cũng thế, bên kia thì cũng thế. Sao chúng ta khai thác vô tội vạ đến thế nhỉ? Sao không khai thác ở mặt sau, sườn núi không quay ra đường ấy để "xấu che - tốt khoe"? Hay tại sao không tập trung khai thác ở một khu nào đó thôi, còn lại thì để cảnh quan thiên nhiên, để làm du lịch chứ nhỉ. Hay... (tôi tự nghĩ), định thực hiện phương châm "Xấu đều ở các nơi thì đâu đâu cũng là đẹp"?
Thực chán cho ngành DL ở VN - chán cho cách bảo tồn di sản, cảnh quan. Cứ như thế này, chẳng mấy chốc đi ngang qua Ninh Bình, tôi lại phải che mắt vì xốn xang, vì xấu hổ. Thực buồn cho vùng Cố đô - buồn cho mảnh đất của người đẹp Dương Vân Nga...

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2008

Đường đèo D'RAN




- Reng.... Reng... Anh ơi, cho em xin phép nghĩ - Ba em vừa mất... Em đưa về quê để an táng... 22h00 ngày thứ Bảy giửa tháng Tám, tôi nhận được điện thoại của đứa em trong phòng thông báo. Lập tức tôi nhắn tin cho tất cả các nhân viên trong phòng, các phòng ban liên quan.
8h00 ngày Chủ Nhật, qua điện thoại, tiến hành liên hệ xe pháo, thông báo, sắm sửa... Đến 14h00 chúng tôi lên đường để đến chia buồn cùng gia quyến của người em.

Quê quán của đứa em ở D'Ran - Đơn Dương, Lâm Đồng. Thú thực là từ nhỏ đến lúc ấy tôi chưa từng đến Đà Lạt. Tôi rất dị ứng với việc nghe các thông tin phản cảm của thành phố này, do vậy hễ cứ bàn đi Đà Lạt thì tôi lại gạt ngang. Lần ấy là lần tôi đi trên đường Sài Gòn - Đà Lạt.
Đến 22h00 tối Chủ Nhật chúng tôi đến nhà của đứa em. Sau khi hoàn tất các công việc thăm viếng, chia buồn, đoàn quyết định đi lên Đà Lạt nghĩ đêm. Thay vì quay xe trờ về ngã ba Phi Nôm (gần 30 km), chúng tôi quyết định đi lên bằng đường đèo D'Ran.
Đường đèo D'Ran không phải là đường mới, nhưng do trong đoàn chưa ai đi qua (kể cả lái xe) nên chúng tôi vừa đi vừa dò...

Trời hôm đó mưa bay lất phất, đường tối, thỉnh thoảng mới có được một vài ngọn đèn đường ở các khu dân cư tập trung. Đường vắng lặng, hai bên thông mọc chi chít, thấp thoáng qua ánh đèn pha, từng dãi mây nhè nhẹ, lãng đãng trôi qua chúng tôi... Xe chạy êm êm trong đêm, bánh xe nghiến vào mặt đường lạo xạo. Bọn chúng tôi tụm lại, căng mắt nhìn ra bên ngoài, tất cả vừa mệt, vừa đói, vừa hết chuyện để tám nên chỉ còn biết im lặng nghe nhạc và chờ...
Đi được một đoạn, khi lên trên đỉnh dốc, mấy đứa chỉ trỏ vầng sáng trước mặt đoán già đoán non đó là thành phố Đà Lạt... Nhưng khi qua con đồi thì tất cả chợt ồ lên: thì ra quầng sáng đó chỉ là các luống đèn trong trang trại hoa trước mặt, thắp lên để thay ánh sáng mặt trời nhằm kích thích hoa trái vụ.
Các luống đèn tập trung thành từng dãy song song, nắm trong các nhà kính trồng hoa, trong đêm tối, lóng lánh như dãy đèn trang trí trên cây thông Noel. Chúng tôi bất ngờ trước cảnh tượng ấy - cứ lặng ra mà nhìn, quên cả chụp lấy một tấm ảnh làm kỷ niệm.
Bất chợt tôi lại nhớ đến dãy đèn của các vườn Thanh Long ở Phan Thiết, các ánh đèn câu mực khi đi qua Quy Nhơn, dãy đèn pha của xe ô tô trên đoạn đường vượt đèo Cả..., nhưng cảnh quang ở đây thú vị hơn nhiều: sương giăng giăng, mây lãng đãng trôi, trời đêm tối đen như mực chợt lấp lóe ánh đèn sáng như chuỗi ngọc trong đêm.
Ánh đèn soi sáng các luống hoa được trồng trong trang trại, đêm thì đen và mềm như nhung, nhạc bất chợt ngân lên



Một đàn chim tóc trắng
Bay về qua trần gian
Báo tin rằng: Có nàng Giáng Hương
Nàng ngồi trên cung vắng
Trong một đêm tàn trăng
Phá then vàng bước vào vườn hoang.

Không gian chợt lạnh đi, mờ ảo - chúng tôi vừa đi vào một cụm mây dày. Từng giọt nước tụ lại trên mặt kính, lặng lẽ chảy dài theo tiếng hát...

Không gian tràn dâng niềm thương
Rồi tiếng hát xui cuộc tình duyên
Bao nhiêu nàng tiên nỉ non
Làm huyên náo Thiên Đường lạnh lẽo.

Trời đầy cô tiên nữ
Xuống đầu thai thành hoa
Giữa đêm mờ, hoa nở ngát hương

Tiếng hát cứ ngân dài theo từng ánh mắt dõi nhìn...
Đêm hôm ấy chúng tôi đến Đà Lạt, nhận phòng là đã 0h30. Trùm chăn nằm nghe tiếng mưa đêm tí tách gỏ trên mái, tôi tự hỏi chẳng biết đêm nay Giáng Hương có xuống trần thành hoa?
Nhưng dù gì đi nữa, nếu Giáng Hương có xuống trần trong đêm nay, cùng cảnh ngộ như chúng tôi, chắc Giáng Hương sẽ ở lại trần gian mãi...

Người về trong đêm tối
Ôm cành hoa tả tơi
Bóng in dài gác đời lẻ loi...

Chuyến đi đêm hôm ấy thật bất ngờ đối với tôi. Cảnh đêm cũng thật bất ngờ với cả đoàn. Có lẽ cảnh ấy không bao giờ gặp lại được, cũng có thể là gặp lại, nhưng có lẽ sẽ không còn những cảm xúc bất ngờ nữa... Ôi đường đèo D'Ran trong một đêm mưa tháng Tám...

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

Huyền thoại Ngũ Hành Sơn







Sự tích Ngũ Hành Sơn: Ngày xưa, nơi đây là vùng biển hoang vu, chỉ có một ông già sống đơn độc trong túp lều tranh. Một hôm, trời đang sáng bỗng nhiên tối sầm, giông bão nổi lên, một con giao long rất lớn xuất hiện vùng vẫy trên bãi cát và một quả trứng khổng lồ từ từ lăn ra ở dưới bụng. Sau đó giao long quay ra biển đi mất. Lát sau, một con rùa vàng xuất hiện, tự xưng là Thần Kim Quy, đào cát vùi quả trứng xuống và giao cho ông già nhiệm vụ bảo vệ giọt máu của Long Quân. Quả trứng càng ngày càng lớn, nhô lên cao chiếm cả một vùng đất rộng lớn. Vỏ trứng ánh lên đủ màu sắc xanh, đỏ, trắng, vàng, tím lấp lánh như một hòn ngọc khổng lồ. Một hôm, ông lão vừa chợp mắt thì nghe có tiếng lửa cháy, ông cầu cứu móng Rùa - vật mà Thần Kim Quy đã giao lại cho ông lúc ra đi và trong lòng trứng hiện ra một cái hang rộng rãi, mát mẻ. Ông đặt lưng xuống ngủ thiếp luôn và không biết đang xảy ra một phép lạ: một cô gái xinh xắn bước ra từ trong trứng và nơi ông nằm là một trong năm hòn đá cẩm thạch vừa được hình thành từ năm mảnh vỏ của quả trứng. (theo Kho Tàng Truyện cổ tích Việt Nam - Nguyễn Đổng Chi)
Tôi đã đọc Sự tích này từ lâu lắm, nên cũng có đôi chút tò mò, muốn đến thăm Ngũ Hành Sơn cho thoả chí. Tuy nhiên đến Đà Nẵng cũng nhiều nhưng thực sự chỉ ghé qua Ngũ Hành Sơn được đúng 1 lần, theo kiểu "cỡi xe xem núi".
Tổng quan núi thì không cao lắm, phía ngoài đường nhìn vào thì khuất sau các dãy nhà. Phong cảnh nhìn từ xa - có lẽ do góc nhìn không được đẹp - là ...không thấy gì cả.

Hôm nay nghe lại "Huyền thoại Ngũ Hành Sơn" của Vũ Đức Sao Biển, chợt ấm ức vì chuyến đi chưa trọn, leo lên mạng tra cứu thông tin thì cũng được kha khá:

Theo Wikipedia:
Ngũ Hành Sơn là tên gọi chung của năm ngọn núi thuộc Đà Nẵng.

Đây là nhóm núi đá (trong đó có cả đá cẩm thạch) nằm kề với biển, liền sông được vua Minh Mang đặt tên mỗi ngọn núi tượng trưng cho các yếu tố cấu thành vũ trụ là Kim Sơn, Thuỷ Sơn, Thổ Sơn, Mộc Sơn và Hoả Sơn.

Ngũ Hành Sơn nằm cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 5 km về phía đông nam, trên một bãi cát mênh mông gần bờ biển, thuộc làng Hoà Khuê, ấp Sơn Thủy, huyện Hoà Vang. Thuở xa xưa người Chiêm Thành, thờ thần linh theo tín ngưỡng của họ, ngày nay còn lưu lại di tích qua những tượng thần bằng đá, những đền tháp và hình tượng khắc trong vách đá ở Chùa Linh Ứng, trong động Huyền Không.

  • Kim sơn (Metall - metal) là hòn núi khiêm tốn nhất trong 5 ngọn núi kéo dài từ đông sang tây, sông Trường nối dài ra sông Đà Nẵng, có đò Bến ngự ngày xưa Vua chúa thường cập bến nơi đây để ngọan cảnh, qua thời gian biển dâu biến thành ruộng đồng, sông Trường có tên „Lộ Cảnh Giang là sông Cổ Cò“, đã bị vùi lấp biến thành ruộng hoặc hồ nước còn dấu tích của những đoạn sông chưa bị lấp kín
  • Mộc sơn (Holz - wood) phiá đông nam nằm song song với núi Thủy sơn dù mang tên là mộc, nhưng cây cối mọc rất ít núi cũng có hang động nhỏ, Mộc sơn có khối đá cẩm thạch trắng giống hình người
  • Thuỷ sơn (Wasser - water) phiá đông bắc là núi đẹp nhất, du khách thường đến ngoạn cảnh gọi là Chùa Non Nước, phong cảnh hữu tình có thể nói núi Thủy sơn nằm dài từ đông sang tây rộng 15 ha, có nhiều Chùa được xây cất lâu đời, có động Thạch nhũ, có hai chùa đẹp chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng, đường lên núi làm bằng từng cấp lót đá, trên đỉnh 3 ngọn núi mang tên là "Tam Thai" bởi vì nó giống như "Sao Tam Thai" tức là 3 ngôi sao làm thành cái đuôi của chùm sao Đại Hùng Tinh. Du khách từ vùng biển muốn lên thăm Linh Ứng phải bước lên khoảng 108 tầng cấp, nếu đến chùa Tam Thai nằm ở phiá nam phải đi xa hơn những tầng cấp dài 156 bậc. Ngày nay phần lớn du khách đến Thuỷ sơn bằng xe từ đường Huyền Trân, hai bên đường là làng chuyên về nghề điêu khắc tạc tượng, bằng đá cẩm thạch
  • Hỏa sơn (Feuer - fire) ngọn núi hướng về phiá tây nam sườn núi hiểm dốc hang động hoàn toàn im lặng, đối diện với hòn Kim Sơn, bên trái đường Sư Vạn Hạnh, trên dãy núi Hỏa sơn còn lại những đống gạch vụn từng mảnh hay đôi khi nguyên vẹn, trong những hố đá gạch sụp lở đó là di tích đền tháp của người Chiêm Thành. Hoả sơn nơi người ta khai thác lấy đá cẩm thạch. Đá cẩm thạch non nước có nhiều vân, sắc đẹp hồng, xám, trắng, những loại đá khác nhau rất hữu ích cho công nghiệp, đá vụn để trãi đường, tô tường nhà. Hỏa Sơn gồm có một hòn Âm và một hòn Dương, nối liền với nhau bằng một đường đá thiên tạo nhô cao hẳn lên.
    Hòn Âm Hỏa Sơn nằm phía đông, gần đường Lê Văn Hiến, chóp núi tròn nhô lên cao hơn. Sườn núi có nhiều thớ đá nằm nghiêng và chạy nghiêng cắt ra từng đoạn, cây cối mọc ở các kẻ đá, ở mỏm núi phía đông có một cái hang thông từ sườn phía nam ra sườn phía bắc. Nhân dân địa phương thường đi theo đường này đến các hòn Kim Sơn và Thổ Sơn.
    Hòn Dương Hỏa Sơn nằm ở phía tây. Ngày xưa, khi còn giao lưu được giữa Hội An và Đà Nẵng bằng đường thủy, ở đây có một bến sông, ghe thuyền đi về buôn bán vô cùng tấp nập. Trên bờ sông, sát chân hòn Dương Hỏa Sơn có khu miếu Ông Chài, hiện đã bị đổ nát. Tên dân dã "núi Ông Chài" có thể bắt nguồn từ đó. Tại một điểm cao trên sườn núi cheo leo, vách đá thẳng đứng, phía bắc Dương Hỏa Sơn nhìn về phía Kim Sơn, có ba chữ Hán lớn, nhìn từ xa rất rõ "Dương Hoả Sơn" và một dòng chữ nhỏ phải đến gần mới thấy : "Sắc Minh mạng thập bát niên thất nguyệt nhật cát lợi".
  • Thổ sơn (Erde - earth) là núi thấp nằm chính giữa có dạng vuông, cạnh không đều nhau, Thổ sơn không có phong cảnh đẹp chỉ có đất sét đỏ và đá cát lẫn lộn. Theo truyền thuyết Thổ sơn là nơi linh địa ngày xưa người Chiêm Thành đồn trú nơi đây, còn tìm thấy những nét về văn minh người Chiêm Thành điêu khắc vào đá như một cứ điạ từ đó xuất phát đi cướp phá các vùng biển có tàu buôn đi từ Trung hoa xuống đến vùng biển Mã lai. Thổ sơn thấp bao quanh những ngọn núi cao hơn.
Theo saigon.nguoihanoi.net thì:

Thuỷ Sơn là hòn núi lớn và đẹp nhất trong khu danh thắng, đỉnh gồm ba ngọn nằm ba tầng giống như ba ngôi sao Tam Thai nên có tên gọi là núi Tam Thai.Ngọn cao nhất 106m ở phía tây bắc gọi là Thượng Thai gồm có Vọng Giang Đài, chùa Tam Thai,chùa Từ Tâm,động Hoàng Cung, động Hoa Nghiêm, động Linh Nham, thạch động Huyền Không,… Ngọn phía nam thấp hơn gọi là Trung Thai, nơi đây du khách sẽ nhìn thấy Cổng Trời, hang gió Tây, hang gió Đông, động Vân Thông, động Thiên Long, hang Vân Nguyệt,… Ngọn phía đông hơi nhô cao lên gọi là Hạ Thai gồm có Vọng Hải Đài, chùa Linh Ứng, động Tàng Chơn, Bàn Cờ, giếng Tiên và động Âm Phủ,…
Lên khỏi 156 bậc cấp đá hoa cương là cổng Tam Quan cổ kính dẫn vào chùa Tam Thai, nơi vẫn còn lưu giữ được “quả Tim Lửa” và chiếc chuông khắc tên vua Minh Mạng.Từ Vọng Giang Đài, Vọng Hải Đài du khách thoả thích ngắm nhìn cảnh làng quê thanh bình bên dòng sông Cổ Cò cùng với biển cả bao la.
Cảnh sắc hang động thật kỳ vĩ - ánh sáng mặt trời len lỏi qua các ngách đá, thạch nhũ tạo ra với nhiều hình hài khác nhau rất ấn tượng, du khách có thể cảm nhận bằng chính sự chiêm nghiệm, khám phá của mình.

Ở phía tây khu danh thắng Ngũ Hành Sơn có nhiều hang động thiên nhiên cảnh sắc đẹp. Ở ngọn Kim Sơn có chùa Thái Sơn, chùa và động Quán Thế Âm, hang Tam Thanh. Ngọn Hoả Sơn có chùa Linh Sơn, động Huyền Vi, chùa và động Phổ Đà Sơn.Tham quan động Quán Thế Âm và Huyền Vi du khách không khỏi ngạc nhiên thú vị trước hình tượng của Phật được tạo ra từ thạch nhũ rất sinh động. Hoà thượng Thích Phán Nhẫn phát hiện ra động Quán Thế Âm vào năm 1956, cửa động cách chân núi khoảng mười mét, đường vào động là những bậc đá tự nhiên đi sâu xuống lòng núi. Ngay phía đối diện cửa động là một khối thạch nhũ tạo thành hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát rất hoàn chỉnh, cân phân, thanh tú. Một lớp da đá lấp lánh như kim tuyến bề ngang hơn gang tay phủ từ bờ vai phải chạy dài đến hết thân tượng, bàn tay phải có nâng bình nước cam lồ. Trong động còn có bộ tam khí của nhà Phật gồm chuông, trống và mõ bằng đá với những âm thanh rất chuẩn và thật. Cuối động là hồ nước mát lạnh, trong suốt quanh năm gọi là hồ nước Cam Lồ. (nguồn http://saigon.nguoihanoi.net/forum/archive/index.php/t-1775.html)

Vân vân và vân vân...

Hạc xưa bay rồi, bạc đầu biển gọi
Mẹ Trưòng Sơn cho năm đứa con về ở với người
Năm cụm Ngũ Hành như năm ngón tay chia bùi sẽ ngọt
Đời đời sóng vỗ ru người âm vọng trùng khơi

Tuy nhiên đến khu vực Non Nước - Ngũ Hành Sơn, tôi chỉ nhớ đến khu làng đá mỹ nghệ dưới chân núi, dọc hai bên đường. Đá cẩm thạch qua bàn tay gia công khéo léo đã trở thành những tượng, những quả trứng, những lồng đèn.. tuyệt mỹ. Đến thăm thì thế nào củng phải mua một cái gì đó gọi là kỷ niệm. Tôi thì chỉ chọn một con chim cú bằng cẩm thạch trắng - con chim cú của Athena. Con cú ở trên bàn làm việc củ của tôi, hàng ngày ngó nghiên lục vấn tôi với cặp mắt đầy trí tuệ: "Lãn công à?... Khó khăn sao?... Ách tắc không giải quyết được à?...". Tiếc rằng trong lúc dọn văn phòng lên nhà máy mới nó đã vỡ tan do sự bất cẩn của mình.

Ai xui đá cũng có trái tim
Cũng biết yêu em nên ngàn năm rớt giọt tơ vàng
Cách chia đôi đàng, nhớ bạn tình chung...

Ai quên đá cũng có trái tim
Cũng rung lên bao lời ru biển hẹn non mòn
Nhớ nhau quay về, uống cạn ngàn ly...


Thế nhưng tôi lại lo xa... Lo cho với đà khai thác này thì liệu mấy chốc "núi xanh hoá nương dâu" như vùng Thoại Sơn đầy di tích của An Giang đã muốn thành bình địa do hơn 40 năm khai thách đá xây dựng, làm đường. Khi đó không khỏi cảm thán mà rằng: "Ai xui đá cũng có trái tim... Ai quên đá cũng có trái tim...". Nhưng có lẽ đó là tôi lo xa thôi...

Qua đây gió tưởng nhớ đến ai
Phảng phất hương hoa của ngàn năm vòc ngọc da ngà
Cỏ cây sơn hà thấm đượm tình ta.

Núi non hùng vĩ, di tích lại nhiều, nhưng rất tiếc là do điều kiện thời gian không cho phép, tôi chỉ lướt qua. Có lẽ phải hẹn một dịp khác, tôi sẽ phải quay lại với Ngũ Hành Sơn, với câu hứa "nhớ nhau quay về, uống cạn ngàn ly"...

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2008

Trạng Nguyên




Bâng khuâng phố thị ngày lại qua
Sân ai rực thắm một sắc hoa
Đông về, đây hỏi Trạng nguyên đó
Ấy Tiểu đăng khoa? Đại đăng khoa?
Mùa đông 1991.

Biển Cạn




Mượn một câu chuyện tặng Xuân Mỹ

Bình Châu - Hồ Cốc, ngày ... tháng ... năm ...

Tính từ đầu đền giờ anh biết Bình Châu cũng đã năm năm có lẽ, con đường về Xuyên Mộc - Bình Châu anh đi cũng đã mòn mấy đôi lốp xe. Thế nhưng bây giờ cứ mỗi lần về đến Hồ Cốc, nhìn sóng biển từ nghìn trùng xô về anh lại nghĩ đến chuyện chúng mình: chuyện anh - chuyện Em và chuyện của Biển.

Ngày đó anh tình cờ quen em cũng tại Hồ Cốc, anh theo đoàn đi chơi, em nữ sinh dân địa phương, phụ cha mẹ buôn bán tại bãi biển. Xui khiến anh và em gặp nhau trên bãi biển đầy nắng và thành duyên nợ. Ngày anh gặp em mặt biển xanh lắm, anh chưa bao giờ thấy biển xanh như thế, có lẽ xanh từ mắt em nhìn anh.

Anh như hạt cát vô tình mặn
Chờ thuỷ triều lên để đợi người ... (TTCN - NHA)

Từ đó anh đắm mình trong biển yêu - đường Sài Gòn-Bình Châu dài như vậy nhưng anh vẫn thấy thật gần. Để cứ mỗi trưa thứ Bảy anh lại rong ruổi về với em, với biển. Chúng ta cùng lội rừng, cùng luộc trứng, cùng ngâm chân trong dòng nước nóng Bình Châu, nhưng những lần hẹn hò, gặp gỡ nhau nhiều nhất vẫn là trước biển. Các câu chuyện buồn vui, những lời tâm sự của hai đứa có biển làm nhân chứng cho hai chúng ta.

Có người hẹn tôi tới phương trời
Biển xưa lắng nghe trắng xóa nỗi niềm biển không lên tiếng...

Thế nhưng có mấy khi tình đầu nào được như ý. Chúng ta quen nhau gần 2 năm, cộng đi cộng lại thời gian quen biết, gặp gỡ nhau chưa được 100 ngày thế thì tránh làm sao cho biển tình không nổi cơn sóng gió. Đã có lần Em hỏi anh loài hoa nào tham lam nhất, và Em đã giải đáp cho anh rằng đó là loài hoa "Muốn(g) Biển" - vì nó quá tham lam, muốn lấy hết cả biển. Anh đã thấm điều ấy vô cùng khi em cũng đã trách anh là loài "Muốn(g) Biển", nhưng thật ra thì

Đời tôi nhỏ bé trước những khát khao chìm trong nỗi đau
Tình em quá lớn với những đam mê làm nên oan trái


Anh nào có phải là loài tham lam như em trách. Thật ra đó cũng chỉ là ghen tuông giận hờn của những kẻ đang yêu. Tánh đàn ông thì đa tình, nhất là những thằng đàn ông phong độ như anh thì làm sao lại chẳng vướng số đào hoa. Tuy nhiên anh cứ nghĩ rằng mình vẫn đủ lý trí để phân biệt đâu là bến đỗ của mình và vẫn nghĩ rằng em cũng "phải" biết điều ấy. Nhưng thật sự anh không hiểu gì về tâm sự của phụ nữ - về tính "chiếm hữu" - như cách anh vẫn gọi sau này - không biết "dỗ ngọt", không biết "phục tùng"...

Lời tôi nhỏ bé tiếng gió thét cao biển tràn nỗi đau
Tình em quá lớn sóng cũng vỡ tan đời tôi đánh mất

Ngày đó anh là trai mới lớn, mang trong mình tự ái vặt của một thằng đàn ông. Anh chưa đủ "chín" cho một sự ràng buộc, chí nam nhi còn nặng gánh phiêu bồng. Do vậy bất cứ quản thúc dù nhỏ nhặt nào anh cũng cảm thấy mất tự do. Thêm nữa tính tự ái của đàn ông, tính phớt đời của trai mới lớn đã làm anh nổi cáu. Chuyện không cần giải thích thì anh chẳng giải thích. Chỉ một chút giận hờn, một câu nói lẫy "Chưa hiểu nhau, thì thôi chia tay đi ...", anh đã nổi tự ái và đáp rằng "Chia tay thì chia...", và thế là ...

Giấc mơ không còn biển xưa đã cạn
Vắng em trên đời biển thầm than khóc ngàn lần với tôi

Em đã ra đi cùng Biển ngay sau đó, để lại cho tôi một ray rứt không nguôi. Ngậm ngùi một nỗi ân hận với em vì đã không cùng em đi tiếp chặng đường dở dang, chưa gởi cho em một lời xin lỗi, một giải thích muộn màng. Anh đã bỏ chạy như điên khỏi Bình Châu ngay trong hôm về thăm lại em và nghe tin dữ, ngang Hồ Cốc, Phước Hải, Long Hải anh không còn nghe được tiếng gió biển rì rào, tiếng sóng biển xô bờ... Hình như đêm hôm ấy biển cũng đã chết - ít nhất là đã chết trong anh ...


Hạnh phúc thật ra đến giờ anh mới biết đó là những điều thật đơn giản, đó là được ăn một bữa cơm với gia đình em, là được ngồi bên em hàng giờ đưới ánh trăng trên bãi biển - im lặng để lắng nghe tiếng biển hát rì rào. Nhưng những điều hạnh phúc đó có đánh mất đi rồi mới biết.

Cùng tôi biển chết, cùng em biển tan
Ngàn năm nỗi đau hóa kiếp mây ngàn cô đơn biển cạn

Anh đã lang thang khắp chốn, phiêu bồng cùng bầu rượu túi cơm tìm quên lãng. Vùi đầu trong men rượu, sống dỡ người dỡ ma để tìm quên. Cho đếm một đêm say chuếnh choáng tại Hồ Cốc, khi nâng ly rượu và nhìn về phía biển anh chợt thấy

Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ (Đôi bờ - Quang Dũng)

Anh đã choàng tỉnh giấc, nghe Em nói hay nghe Biển rì rào... Từ đó anh đã dần dần trở lại là anh của thuở nào - ít ra là bề ngoài ...

Trưa nay anh lang thang một mình trên bãi biển. Từng bước chân in trên mặt cát ướt, hằn sâu như những kỷ niệm xưa. Sóng từng cơn xô bờ, tràn qua, xóa nhòa những vết chân, như Em không muốn chúng ta giữ lại những kỹ niệm ấy.


Ừ thì thôi, kỷ niệm nào đẹp, nào vui thì chúng ta hãy giữ lại trong tâm hồn. Để nó vẫn mãi là những ký ức hạnh phúc của mối tình đầu, long lanh như những giọt sương đầu ngày, và mong manh đến mức chỉ một vụng dại là tan biến. Những kỷ niệm buồn thì hãy vì tương lai mà quên lãng. Nhưng .... sao đứng trước biển, nhìn loài hoa muống biển lan trên bờ cát, khoe những đóa hoa trắng tím rung rung trước gió - anh vẫn nhớ, nhớ nao lòng ...

Có người từ lâu nhớ thương biển
Ngày xưa biển xanh không như bây giờ biển là hoang vắng

Phải, từ cái ngày ấy đến nay đã ba năm hơn, và trong khoảng thời gian đó với anh thì biển không còn xanh và Biển đã xa vắng, xa vắng từ ngày anh bồng bột thốt tiếng chia tay. Ngày ấy anh đã quá dại khờ nên đã đánh mất Em cùng với Biển. Mỗi lần đứng trước biển, anh chỉ thấy như đang đứng trước Em. Và muôn thuở, khi gặp anh, Em vẫn còn giận hờn vì chưa nghe anh xin lỗi, tiếng sóng hòa tiếng gió thổi bờ nghe như tiếng thở dài của Em

Sóng reo não nề hải âu không về
Vắng em trên đời biển thầm than khóc ngàn lần với tôi

Đêm nay anh ngồi một mình trên bãi biển, cô đơn lắng nghe... Biển và Em không còn rì rào trò chuyện, chỉ còn tiếng gió xao xác trên những hàng dương. Xa xa ánh đèn câu đêm dạ xuống biến, nhấp nháy long lanh như mắt Em nhòa lệ đang nhìn anh... Giờ thì triều rút, biển lùi xa dần, xa bờ , xa anh ... như muốn mang đi tất cả hình ảnh cũ. Biển đã cạn như tình Em đã mất. Anh lặng thầm nghe như gió đang trêu đùa:

Có người từ lâu nhớ thương biển ....

Ngày 10/10/2008

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2008

Bến Ô Môi




Nhớ về cô Thiên Kim.

Thời còn đi học, tôi từng học qua nhiếu thầy cô. Nhưng có lẽ người có ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất là cô Bùi Thiên Kim – cô giáo dạy Toán năm lớp 10 và chủ nhiệm tôi vào năm lớp 11.

Tôi vào lớp 10 năm 14 tuổi – 1984. Trường lúc đó là trường PTTH duy nhất của TX Long Xuyên và là trường chuyên của cả tỉnh An Giang. Lúc tôi vừa vào lớp 10 thì cô cũng vừa tốt nghiệp ĐHSP TP HCM, được Sở phân công về trường dạy. Lớp học trò tụi tui năm ấy là lứa học trò đầu tiên cô dạy, sau đó là cô làm chủ nhiệm – là lứa đàn em đầu tiên được cô chăn dắt nên cô rất quan tâm. Cô hiểu từng đứa – từng gia cảnh nên có sự động viên rất lớn đối với học trò.

Chính cô đã dạy cho tôi “Hạnh phúc là sự sẽ chia” bằng các phong trào nho nhỏ trong lớp: Giúp bạn nhà nghèo đến lớp, Đôi bạn học tập…

Chính cô là người khơi dậy cho tôi máu phiêu lưu: cô tổ chức cho tụi học trò đi xe đạp từ Long Xuyên sang Chợ Mới, Châu Đốc, Núi Sập, Thốt Nốt… Vừa là đi chơi, vừa là cách rèn luyện thể lực, vừa là cách dạy cho học trò thêm hiểu, thêm yêu vùng đất mình đang sống.


Lúc đó tôi là đứa học trò “thấp bé nhẹ cân”, học giỏi các môn tự nhiên nhưng các môn xã hội thì bình bình, môn văn thì chỉ ở mức trung bình khá, còn môn thể dục thì … thật tệ hại. Tuy nhiên qua các lần đạp xe đi chơi, tình hình sức khỏe cải thiện hơn, cô khuyên khích tôi đi học bơi – dây Miền Tây nhưng đến hè lớp 10 tôi mới biết bơi, cũng nhờ 2 người bạn trong đội tuyển bơi lội cũa tỉnh dạy cho – khuyên tôi nên thường đạp xe đạp rèn thể lực… Và đi dạo vòng vòng bằng xe đạp đã trở thành thói quen theo tôi đến khi tôi lên Sài Gòn học, đi làm – mãi đến năm 1995.

Ngoài ra các lần đi núi Sam, núi Cấm, núi Sập, Long Điền, Vĩnh Trinh, Bò Ót… cô đã dạy cho chúng tôi thêm lòng yêu thương quê hương xứ sở qua các câu chuyện lịch sử, dã sử, truyền ngôn… của các vùng đất, của các anh hùng, danh nhân đã góp công xây dựng mảnh đất An Giang. Từ đó tôi lại có được sự yêu thích khi học các môn Địa Lý, Lịch Sử mà tôi thường chê khô khan – “khô hơn cả những con số”, tôi đã từng nói như thế. Cô dạy môn Toán nhưng qua lời kể của cô, cách cô gợi cho chúng tôi cảm nhận và trình bày, phân tích một sự việc, một câu chuyện - như phân tích chứng minh một bài toán - đã dần dần đã giúp cho tôi học tốt hơn môn Văn – môn không phải học trò nào cũng thích trong khoảng thời gian ấy.

Cô vừa là người thầy, vừa là người chị dìu dắt chúng tôi qua 3 năm trung học. Cho dù năm lớp 12 cô phải nhường cho thầy tổ trưởng tổ Toán dạy lớp chúng tôi nhưng khi định hướng đi thi Đại học, cô lại quan tâm động viên, chia sẽ với những đứa em còn đang phân vân trước một ngưỡng cửa mới của cuộc đời.


Một điều thú vị và ấn tượng nhất đối với chúng tôi là đám cưới của cô vào cuối năm 1986 – khi chúng tôi đang học lớp 12. Nhà của cô ở bên Chợ Mới, cả lớp đã từng đi qua mấy lần khi đi chơi cùng cô, nhưng hôm đó khi cả bầy học trò ùa đến thì chợt sửng sốt vì ngay trên bến sông nhà của cô, cây ô môi nở bung cả vòm hoa, rực ánh hồng. Khi nhà gái đưa dâu xuống tắc ráng về Long Xuyên, cô hạnh phúc đi cùng thầy dưới vòm hoa ô môi, chúng tôi vỗ tay rần rần, tán ô môi rung rinh trước gió, rắc từng cánh, từng cánh hoa hồng rải xuống đôi vợ chồng mới – cảnh tượng đẹp gấp tỷ lần việc bắn coferti trong các đám cưới hiện đại ngày nay.

Có lẽ trời đất cũng vì lòng yêu thương của cô mà tạo một cảnh tượng ngàn năm khó lặp lại. Có lẽ lòng yêu kính của chúng tôi dành cho cô quá lớn, nên một đám cưới quê giản dị cũng trở thành huy hoàng rực rỡ trong con mắt của chúng tôi.

Khu vực nhà của cô đã bị dòng sông Hậu xâm thực và đổ mất vào khoảng 2002-2003. Nhưng trong ký ức của chúng tôi, ngôi nhà đó…, dòng sông đó…, bến đò đó… vẫn mãi mãi là một Bến Ô Môi rực rỡ như tấm lòng của cô dành cho lũ học trò tụi tôi.


Mùa Đông và Tôi




Mùa Đông...
Đó là khoảng thời gian hiếm hoi trong năm trời miền Nam se se lạnh...
Đó là khoảng thời gian buổi sáng trời đổ sương mù che phủ đường đi...

Hồi xưa, khi còn nhỏ Mùa Đông là mùa tôi rất yêu thích: vừa qua đi những cơn mưa tầm tả ẩm ướt cuối mùa, trời đông se se lạnh, súng sính trong cái áo lạnh, lập cập bước trên đưòng đi học nghe ấm áp đến lạ. Sương mù từ mặt sông Thoại Hà cuốn nhẹ bốc lên, cứ tưởng như là trời đang giở từng mảnh the mỏng để may áo mới. Vạt lau bên sông lơ thơ vài cọng bông lau phất phơ như vẫy gọi. Tụi tôi tụm năm tụm ba dắt díu đi từ trong xóm nhỏ ra cầu Hoàng Diệu, vừa đi vừa nghe loa phóng thanh phát văng vẳng nhạc hiệu của chương trình phát thanh Quân đội buổi sáng. Đến đầu cầu thế nào cũng phải lủi xuống bến nước để xem sương sớm, để nhúng tay vào nước ấm rồi sau đó lại xuýt xoa với nhau vì lạnh.
Mùa Đông lúc ấy cũng là mùa thi, nhớ những buổi túm tụm ôn bài, tay lần củ khoai luộc còn nóng sực. Tụi học trò hồn nhiên bẻ đôi củ khoai chia cho nhau, san nhau từng nhúm xôi vò... tụng bài ê a... chờ vào thi học kỳ 1.
Mùa Đông lúc đó cũng là mùa hồi hộp chờ xem hang đá trong lễ Giáng Sinh, là mùa được phép của gia đình lang thang đi chơi trong hai đêm 24/12 và 31/12. Lũ học trò ngèo cũng bày đặt đón năm mới, tất nhiên là chỉ đến 21-22 giờ thôi - cũng nhộn nhịp, cũng rộn ràng... dù buổi tiệc chỉ có vài cái bánh ngọt, vài ly xi rô đá...
Mùa Đông lúc ấy cũng là mùa chờ Tết, mong chờ áo mới, mong chờ Tết, mong chờ tiếng pháo đì đùng, mong chờ anh chị ở xa về tụ họp trong buổi cúng tất niên...

Lớn lên một ít, khi đi học Đại Học, Mùa Đông là mùa "ăn chơi nhảy múa" của tụi sinh viên ở KTX: hết đạp xe đi nhà thờ Đức Bà xem Lễ Giáng Sinh, đến lễ đón năm mới ở Ký túc xá, rồi ngày Sinh Viên học sinh 09/01... Đó cũng là mùa tôi hay lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn - một mình, một con ngựa sắt, ngắm thiên hạ ăn Giáng Sinh, xem nhà thờ...

Mùa Đông cũng là mùa được cuộn mình trong chăn ấm, đánh một giấc đến 11 giờ mới dậy - trả thù cho những ngày phải thức từ 6 giờ để đến trường.

Đến khi tốt nghiệp đi làm, thời gian dường như ngắn lại, mới đó là lại hết năm nên Mùa Đông bước đến lúc nào cũng không biết. Chỉ khi cơn viêm phế quản mãn tính nó hành nghẹt mũi, mất ngủ hàng đêm, khi từng khớp rêm lên theo bịnh phong thấp thì mới giật mình: Mùa Đông đến rồi à...

Mùa Đông bây giờ là khoảng thời gian bận bịu nhất trong năm. Đó là khoảng thời gian chạy đua với Kế hoạch năm, là khoảng thời gian lọ mọ với hàng núi số liệu để làm báo cáo, lập kế hoạch cho năm sau, là khoảng thời gian tích trữ tiền lo cho công nhân mùa Tết Nguyên Đán. Mùa Đông cũng là mùa di chuyển liên tục để ký hợp đồng cho năm mới: hết xuống Rạch Giá, chạy sang Cần Thơ, lại chạy ù ra Nha Trang, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, vừa quay về Sài Gòn thì vội bay ra Hà Nội, đi Quảng Ninh, Phú Thọ... ăn nhậu đến khờ cả người...

Thế nhưng Mùa Đông cũng có những lúc ấm lòng: đó là những ngày Chủ Nhật tự cho phép một mình lang thang ở phố Hội, hay những buổi tối tung tăng quanh hồ Hoàn Kiếm, mỗi tay cầm một que kem, cắn, mút như một đứa con nít, là những khoảnh khắc hiếm hoi được trầm ngâm trước đền Ngọc Sơn, là những chiều lang thang quanh hoàng thành Huế...

Mùa Đông cũng là mùa lo cho Tết nhất, nào là cúng kiếng, nào là chưng bày, dọn dẹp nhà cửa, nào là quà cáp cho bà con bên nội, bên ngoại... Mùa Đông cũng là thời gian báo: chuẩn bị già thêm một tuổi ...
Mùa Đông cũng là mùa mất ngủ do lo cho đám nhóc, là những đêm trở gió thức giấc rồi chập chờn suy nghĩ vẩn vơ...

Bây giờ mỗi khi Mùa Đông đến, với tôi vừa thích, vừa sợ, nửa ghét bỏ, nửa thương yêu... Ôi Mùa Đông, Mùa Đông...

Mùa Đông ... là mùa bận rộn ...
Mùa Đông ... là mùa lo toan ...
Mùa Đông ... Mùa Đông ...

Đôi Bờ



Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai

Sông xa từng lớp lớp sông dài...


02 Doi Bo.wma -

Giữa một buổi sáng đầu Đông, ngồi nghe Camile Huyền ngân nga từng giai điệu của Cung Tiến nghe bâng khuân da diết. Ôi "Đôi bờ ... Đôi bờ" của Quang Dũng!

Hồi ấy tôi biết đựoc bài thơ Đôi bờ là năm 7 tuổi, tuổi bị "ngộ" chữ, bất cứ cái gì đọc được thì đọc. Tôi nhớ bài Đôi bờ nằm trong tập nhạc của chị tôi. Hồi ấy đọc nhưng không biết ai là tác giả chỉ thích mỗi câu "thoáng hiện em về trong đáy cốc...", đến khi lớn thêm một chút thì được nghe "Đôi mắt người Sơn Tây" của Phạm Đình Chương, thì lại nhớ - nhưng vẫn chưa biết gì về Quang Dũng.

Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai
Sông xa từng lớp lớp sông dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi sớm thu về, một sớm mai...

Khi học đến Trung học (1985-1987) đám học trò chúng tôi lại dấm dúi chuyền tay các bài thơ của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, ... Trong các tiết Văn thỉnh thoảng nghe nhắc đến Quang Dũng nhưng vẫn không ấn tượng gì mấy. Đến khi Nhã chuyền lại cho tôi một tập thơ chép tay, trong đó có Đôi Bờ. Khi ấy những tình cảm của hai đứa cũng bâng khuâng theo nhịp của Đôi Bờ.
Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai...

Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Kinh thành em có nhớ bên kia
Giăng giăng mưa bụi bên phòng tuyến
Hiu hắt chiều sông lạnh đất tề...

Giọng hát của Camile Huyền lãng đãng phiêu hốt, tôi lặng lẽ thả hồn vào từng vòng khói thuốc để mặc kỹ niệm thoắt nhớ thoắt tan. Hồi ấy khi quen nhau, những lúc đi chơi em chỉ cho phép tôi được hút những điếu thuốc do em mồi. Những điếu thuốc ngọt đến lạ, thơm say đến lạ... Bây giờ thì...

Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ...



Chia tay nhau, em sang Úc, tôi ở lại Việt Nam. Hai phương trời, hai cuộc sống. Ngày em đi tôi lang thang khắp phố, lặng lẽ đạp từng vòng xe... Chưa bao giờ thấm thía nỗi buồn của biệt ly của Đôi Bờ như lúc này.

Thôi hết rồi em người mỗi ngã
Bên này đất nước ngóng trông nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Là hết... thôi rồi chuyện trước sau.

Tại sao chúng ta khởi đầu bằng Đôi Bờ - lại ở Đôi Bờ mà mong ngóng?
Không biết rằng hôm nay em có còn nhớ đến ta?
Không hiểu phương trời xa em còn mặc áo dài xuống phố?
Để hôm nay ta chuyếnh choáng với Đôi Bờ.

Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ...

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2008

Phố thị ngày buồn




Lời của đứa con lỗi lầm, lìa xứ, ly quê...

Lâu lắm rồi mới trở về quê, bước chân lang thang trên từng ngõ phố cũ – cũ nhưng giờ quá xa lạ. Bây giờ thì tìm mãi cả thành phố mới được một khu phố còn thân quen, may mắn là vì nó ở một cái hóc xa xôi, giao thông cách trở nên không ai nhòm tới. Phố đó là dãy phố có ngôi nhà nhỏ của gia đình tôi đó.

Nhớ hồi đó tôi và lũ bạn thường chạy vào các khu vườn chơi trốn tìm, leo cây tìm trái. Các cây mận, cây ổi đến giờ nhìn thấy tôi về còn run rẩy trước gió, sợ từng cái níu cành, sợ từng nhát dao chặt chạc ba đem về làm giàn ná. Nấn ná với phố hồi lâu, lang thang thăm hỏi vài người bạn cũ, tôi quay gót về nhà, chợt nghe như phố thở dài lên tiếng: “Lại một người nữa bước chân ra đi …

Lặng thầm nhìn lại phố, phố vẫn im lặng, ánh đèn vàng mới mở trong chiều như con mắt của phốìn một đứa con xa xứ lạc bước giang hồ về quê cũ. Nhớ hồi rời quê lên SG học Đại học, háo hức, hớn hở vì lần đầu tiên được đi xa nhà dài ngày, được lên SG, được hoà mình vào môi trường mới… Bao điều mới trước mắt làm người ra đi không nghe được tiếng thở dài của phố:

Lại một người nữa bưc chân ra đi,
Để lại khoảng trống mãi chơi vơi giữa phố nghèo

Đi học xa nhà, những tháng đầu còn nhớ quê, dần dần thì bị cuốn vào lối sống thành thị. Hối hả, vội vàng trong học tập, làm việc, sống, yêu và ghét... thế rồi đứa con tỉnh lẻ đã dần dần thành người thành thị – quên dần phố xưa. Phố thì vẫn thế, vẫn ngóng chờ những đa con đi xa nhưng my đa ra đi quay về với phố, bỏ lại khu phố cũ với những đôi mắt ngóng chờ con mỗi buổi chiều về.

Ngồi nghe ta thấy trăm năm c đá buồn,
Chiều theo ngõ vắng khát khao mây gió lên



Hôm nay đi công tác, tiện ghé về quê thăm lại bà con hàng xóm. Ngồi nghe bà dì tôi nói chuyện mà tưng như nghe tiếng của phố rầm rì trò chuyện:

“Thằng Tư nó đi vưt biên, đền giờ vẫn chưa nghe tin tức, chắc mất xác trong bụng cá rồi. Cái thằng khéo tay, hồi xưa nó chuyên làm giàn ná, làm diều cho tụi bây chơi.
Con Tám nó lấy chồng xa xứ, về đâu tuốt miệt U Minh. Mười mấy năm nay đâu có về quê. Hồi đó tụi bây ngắt bông chơi trò đám cưới, cứ bắt nó làm cô dâu, giờ thì.. là dâu xa xứ rồi.
Còn thằng Năm, con Sáu cũng bỏ quê lên Sài gòn làm công nhân, xong rồi tụi nó lập gia đình ở trển. Sanh con đẻ cái cũng nuôi ở trển. Năm thì mười họa mới thấy xẹt về một chút rồi đi...
Con Hai, con Chín đứa lấy chồng Đài Loan, đứa bỏ xứ qua Campuchia... Lớp tuổi của con... nó đi hết rồi con à...

Quê giờ ngó đi ngó lại... toàn lớp người lớn tuổi, già hết rồi. Răng cỏ không có nên trái ổi, trái xoài cũng kệ cho dơi cho chuột nó gặm, hơi sc đâu mà hái, hái cũng có ăn đưc bao nhiêu đâu! ới này giờ con nít thành của hiếm, thành con cháu chung của cả xóm, vậy nên giữ nó như giữ ngọc, đâu cho nó leo trèo, đâu cho giăng nắng dầm mưa... Cho nên vưn tược nó mới um tùm vậy đó chớ...”

Rồi mai nghe phố vắng chân ai về,
T
a đàn chim đã đến non cao quên cánh đồng
Tự
dưng muốn khóc ngó quanh chỗ vẫn ngồi,
C
òn lạ
i nơi đó li đi cỏ hoang



Tôi ngồi lặng nghe tâm sự, nhưng sao PHỐ không nhắc đến mình? Mình đưc cho đi ăn học, tốt nghiệp thì bỏ cả xứ mà đi. Dù rằng quê nhà nuôi lớn từ nhỏ…, dù rằng UBND tỉnh cũng trợ cấp học bổng cho đi học…, dù rằng ở phố cũ còn những người thân…, dù rằng từng ngõ, từng đưng đầy ắp những kỹ niệm... nhưng mình vẫn bỏ quê mà đi....

Viện cớ vùng quê xa xôi, mình còn muốn phấn đấu thêm nữa, học lên nữa để ở lại Sài Gòn. Nhưng hai mươi my năm qua mình học thêm cái gì ngoài mảnh bằng tốt nghiệp năm đó.

Cũng mượn cớ ở Sài Gòn dễ tìm công việc phù hợp với ngành đã được học, vậy mà chỉ làm đưc năm năm thì mình cũng chuyển nghề.

ợn cớ là ở Sài Gòn dễ tìm đưc người bạn đời phù hợp với mình, cuối cùng cũng phải nhờ mai mối về quê lấy vợ... Đưa vợ lên Sài Gòn cùng sống, hai ba năm mới về được một hai ngày ...

Biết rằng “Đường không tự có – chỉ do nhiều ngưi đi thì mới thành đưng đó thôi”, nhưng sao mình không làm ngưi bưc đi, không trở về cùng quê cũ. Và cũng biết bao đa con cũng như mình bỏ quê mà đi… Không trở về thì quê cũ vẫn như xưa, vẫn là một vùng quê nông nghiệp – vẫn là một vùng “không có công việc phù hợp với chuyên môn”. Và lại là cớ cho bao nhiêu đứa con nữa bỏ xứ ra đi.

eh oh eh có khi ngõ về quá xa
eh oh eh có khi lòng ng
ưi đã xa

Khuya hôm nay trời trở gió bấc, tôi lặng lẽ ra bến xe quay về Sài Gòn, lòng vẫn nghe ray rứt mãi với phố... Có lẽ ngõ về không xa... có lẽ lòng ngưi đã xa... Đêm gió về, phố thị nghe mãi còn buồn... Phố thị sao vẫn còn buồn....



Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2008

Hát hay không Hát?

Chiều nay Công ty họp Kế hoạch 2009, toàn số là số. Tính tính toán toán, đầu óc cứ ong ong cả lên. Hết “Ước thực hiện 2008” đến “Mức độ hoàn thành kế hoạch”, xong thì qua “Cơ sở xây dựng kế hoạch 2009”, “Số liệu kế hoạch 2009” với lại “Tỷ lệ tăng trưởng”... Đầu óc toàn là triệu, tỷ, tấn, phần trăm... cứ múa may quay cuồng.

Đang hồi căng thẳng thì thằng em đi tiếp nhận hàng ở cảng gọi điện về tới tấp:

- Anh ơi, hạt nhựa nhập về có hát hay không hát?

Ơ hay cái thằng này! Giờ này anh mày đang họp với Ban Giám đốc chứ đâu có rảnh đâu mà mày rủ đi ca hát? Muốn đi Karaoke thì cũng phải đợi anh mày xong 16h30 mới tự do hoạt động được chứ!

- Không, em hỏi hạt PE mình nhập về trong tên có hát (H) hay không kìa!

À, ra mình bé cái nhầm – nghe toàn số nên cứ mơ tưởng đàn ca hát xướng cho nhẹ đầu – chứ thằng em mình cũng ý tứ lắm mà!

- Coi nào PE là polyetylen...

- Em biết rồi nhưng trong đó có chữ H sau chữ T không?

- Ủa sao lạ vậy? Có hay không thì nó cũng là PE thôi mà. Sao vậy hử?

- Hải quan vừa có văn bản điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với hạt nhựa. Riêng hạt Polyetylen – không có chữ H thì thuế nhập khẩu là 0%. Còn nếu là biến tính của PE thì thuế là 5%.

- Hạt mình nhập về là PE nguyên sinh, đâu có biến tính đâu em!

- Văn bản giải thích nếu hạt không biến tính là polyetylen – không H, còn có biến tính là polyethylene – có H.

- Vậy thì sao? Tôi vẫn chưa hiểu.

- Mấy hợp đồng mình ký từ xưa đến giờ đều ghi là polyethylene – có H, nên bây giờ họ áp thuế nhập khẩu 5% thay vì 0% như trước nay.

- Polyetylen là danh pháp viết theo kiểu Việt hóa – còn danh pháp quốc tế của nó vẫn là polyethylene cơ mà. Tai tôi bắt đầu lùng bùng...

- Em không biết, mấy ông hải quan kêu bên mình coi kỹ lại đi.

Tôi sôi máu lên. Ức quá, không lẽ mình nhớ nhầm? Mình bỏ nghề Hóa chỉ mới có … 12 năm thôi mà, nhưng hợp đồng, hồ sơ lưu, báo cáo vẫn đụng đến nó hàng ngày, không lẽ mình lộn!

Ức quá, lên Wikipedia xem thì họ viết:

Polyetylen (tiếng Anh: polyethylene hay polyethene; viết tắt: PE), là một nhựa nhiệt dẽo (thermoplastic) được sử dụng rất phổ biến trên thế giới (hàng năm tiêu thụ trên 60 triệu tấn).

Polyetylen là một hợp chất hữu cơ (poly) gồm nhiều nhóm etylen CH2-CH2 liên kết với nhau bằng các liên kết hydro no. Polyetylen được điều chế bằng phản ứng trùng hợp các monome etylen (C2H4)”

Không chắc ăn tiếng Việt do bị đánh giá là “bài viết còn sơ khai”, xem bên tiếng Anh thì:

Polyethylene or polythene (IUPAC name poly(ethene)) is a thermoplastic commodity heavily used in consumer products (notably the plastic shopping bag). Over 60 million tons of the material are produced worldwide every year. “

- Đấy nhé, ở hợp đồng là tiếng Anh thì nó phải toàn là HÁT không nhé!

- Anh ơi, mấy ông hải quan nói do biểu thuế mới nên họ phải áp thuế mới!

- Em fax biểu thuế mới về cho anh kiểm tra đi. Tôi chịu thua... thều thào.

- Anh ơi, họ còn đang xem lại truy thu thuế nhập từ đầu năm đến giờ của tất cả các doanh nghiệp nhập polyethylen – có H – nữa đó!

Chúa ôi! Chuyện gì nữa đây! Sao mà có chuyện gì lạ lùng thế này! Mấy ông hải quan có quởn hông mà lòi ra cái quy định gì kỳ cục vậy nè trời! Vừa mới né được cơn khủng hoảng vật tư – giá cao ngút trời mà không có để mua – sang đến tuột dốc không phanh (trong vòng 1 tháng rớt giá còn phân nửa – hàng về đến cảng đã cầm chắc lỗ từ 300 – 500USD/tấn). Chưa hoàn hồn thì còn vụ truy thu thuế gì đây hả trời!

Năm nay trung bình một tháng Công ty tôi dùng khoảng 250T hạt PE, tính cho là 10 tháng thì hiện nay đã nhập về trong năm 2008 là 2.500T, còn 500T đang trên đường về cho mùa Tết – coi như là 3.000T – giá bình quân cứ cho là 1.500USD/tấn, vị chi đã nhập 4.500.000USD cho hạt PE, nếu bị truy thu 5% thì là 225.000USD, với giá hiện nay 1USD=17.000VND, vậy bị truy thu thuế là 3.825.000.000 đồng. BA TỶ TÁM TRĂM HAI MƯƠI LĂM TRIỆU, chứ không phải là ba đồng! Làm tích cóp bao lâu bù vào số lỗ từ trên trời rơi xuống này hả trời, làm sao bù kịp vì chỉ còn 2 tháng là hết năm rồi – phen này Đại hội Cổ đông chắc xé xác tụi này ra hết quá? Đầu óc tôi tiếp tục quay cuồng với những con số, miệng thì lảm nhảm: “Mấy ông Hải quan ơi,... 5% … bây giờ thì HÁT... hay không HÁT?...”

---------------------------------------

P/S: cho đến giờ vẫn chưa nhận được bản fax của biểu thuế mới. Nhưng ức không chịu được phải viết và post lên thôi!

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2008

Hoang Mang

Tặng tuổi học trò của tôi...
Ngồi uống cafe một mình trong một buổi sáng Chủ Nhật trời se se lạnh, đang thả hồn vu vơ thì nghe hai cậu nhóc ngồi bàn kế bên đang bàn luận và "tư vấn tình yêu", mình chợt thấy vui vui, nhớ lại hồi xưa cũng vậy. Hình như khi bắt đầu có tình cảm đặc biệt đến một đối tượng, ai cũng cần sự chia sẽ, động viên, tư vấn. Nói như hiện nay mình hay nói: "Chúng nó đang hoang mang..."






Những câu nói trên bờ môi
Phải chăng người trao cho riêng mình tôi?

Ai cũng thường tự hỏi như thế khi bắt đầu yêu. Sao thế nhỉ? Có lẽ khi chưa xác định được tình cảm của mình và cả của đối tượng đang đeo đuổi thì bất cứ câu nói nào cũng làm suy nghĩ. Một nụ cười nửa miệng, một ánh mắt liếc xéo cũng làm vẩn vơ trái tim non: "Phải chăng người trao cho riêng mình tôi?".

Hớn hở lâng lâng trước tình cảm mới chớm để rồi lại hoang mang: "Yêu - không yêu?"

Dẫu vẫn biết em không hề yêu
Nhưng cứ mơ mộng nhiều,

Phải không em? Em không dành một chút để ý nào cho anh sao? Phải chăng lá thư trong ngăn bàn không đến tay em? Hay em xem đó như một trò đùa? Bâng khuâng cuối lớp nhìn tóc em xoã, hồn vơ vẩn nghĩ suy...

Vì em lạnh lùng băng giá,
Còn tôi con tim thật thà
Nên mình tôi ôm lòng khuya nhức nhối ...

Có hay không tình yêu em dành cho tôi? Đó là câu hỏi thường xuyên hiện hữu trong đầu, mỗi khi ngồi một mình, nghĩ vu vơ về em trong những ngày mới quen biết...

Xa là nhớ , đêm nằm mơ,
Mơ tình ta xanh như bài thơ.
Ánh trăng sáng soi màn đêm,
Ru tình yêu qua thềm.

Đã bao đêm mình cũng hoang mang như thế nhỉ? Chẳng nhớ nữa! Chỉ nhớ đã từng tẩn mẫn viết tên hai đứa, gạch xoá những chữ cái trùng nhau để tiên đoán tình yêu... Chỉ nhớ rằng nickname REMIL này cũng là kết quả của trò bói chữ ấy - Sau này em còn thêm vào số 14: ngày 1 tháng 4 - "Remil nối dối"

Vì sao người không nhận lấy
Để tôi hoang mang tháng ngày
Em ở đâu khi tình tôi miên man?

Cảm ơn Hà Anh Tuấn đã nhắc lại cho mình một thuở Hoang Mang của tuổi mới lớn. Cùng với giọng hát run run ấy Tuấn đã giành được cảm tình đặc biệt trong kỳ thi Sao Mai Điểm Hẹn - thể hiện sự hoang mang run rẩy khi vừa yêu - đặc biệt đối với cánh đàn ông tụi mình thì sự run rẩy ấy nó mới đáng yêu làm sao - như tình cảm đầu đời của một gã trai mới lớn...

Ngày qua ngày gió thét gào vì em hững hờ,
Dù biết sẽ buồn lòng vẫn mãi chờ.
Một mai đường xa chung đôi,
Ân tình tuyệt vời lên ngôi.

Tình yêu chân chính rồi sẽ đến, sẽ giúp lứa đôi yêu nhau đến bên nhau. Đừng hoang mang, các em ạ. Cái gì của Cesar rồi cũng sẽ thuộc về Cesar mà thôi! Khi đó chúng ta sẽ hoà ca, tình yêu sẽ thăng hoa và sẽ rạng ngời trong nắng xuân:

Tình yêu của những phút đầu như những phép màu,
Sưởi ấm cõi lòng vượt qua nối sầu.
Rồi mai mùa đông trôi xa,
Nụ cười rạng ngời trên môi ... thiết tha …


Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2008

Bún cá

Nhà tôi ở Long Xuyên, vùng đồng bằng trù phú lúa và cá. Má của tôi là người Hoa, ở Sóc Trăng – một vùng của mắm, của dừa. Do vậy nhà tôi có một món ăn hội tụ đầy đủ các yếu tố ẩm thực của Khmer – Hoa – Việt đó là món Bún Cá.

Hôm Chủ nhật vừa rồi, nhà rảnh rỗi, tôi dụ bà xã nấu bún cá để ăn.

- Ngãi bún đâu mà nấu? Bà xã hỏi

Đây là điều mấu chốt của tô bún cá à nghen. Nếu không có ngãi bún thì thà không nấu còn hơn bởi vì sẽ không có mùi ngây ngấy, thơm thơm đặc trưng của bún cá.

- Ở sau vườn chớ đâu.

- Có củ chưa đó, đừng đào lên rồi lại trồng xuống nghe.

Cái vụ này là tôi bị hoài. Hồi đầu trồng mấy cây ngãi bún cứ nghĩ đơn giản là củ của nó lúc nào cũng phải ở dưới gốc nên đào lên rồi thất vọng vì chẳng thấy củ đâu. Cái thứ ngãi này – nghe chữ ngãi ghê quá hén – củ tròn tròn, dài dài như chiếc đũa, nằm ẩn dưới lớp đất. Mùa mưa lá cây xanh mướt, vểnh lên trời như những chiếc tai chuột. Sang thu hoa trắng tím nở lấm tấm đầy gốc. Đến đầu đông thì tán lá lụi dần, lúc đó mới là lúc củ ngãi chứa hết tinh túy và thơm ngon của trời đất. Đem rửa rạch, đập dập, cỡ 7-8 củ cho vào nồi nước dùng mà nấu thì đã đủ dậy mùi của nồi bún rồi đó.

- Chắc cú là có rồi!

- Ừ vậy thì nấu. Mà ông mua gì?

Tôi ngồi nhớ lại:

- Cá lóc nè. Lựa cá đen, đừng lấy lóc bông, coi con nào trọng trọng để lấy trứng...

- Thôi đi cha! Giờ đây cá toàn là nuôi, đâu có cá đồng đâu mà ông đòi lóc đen với lóc trứng!

Ừ hén, giờ đây mà cứ ngỡ như hồi 1980 – 1981 nghe mấy chị dặn đi chợ ấy. Hồi xưa mua con cá lóc cỡ 800g – 1kg là bự rồi, con đó thể nào cũng có trứng. Cá đem về làm sạch, luộc trong nồi nước dùng rồi gỡ cá,, tách xương, xé từng miếng vừa ăn cho lại vào nồi nước dùng, khi múc ra tô trắng như bông. Nếu may mắn gặp con cá có trứng, đem gở đùm trứng ra, đánh tơi nhuyễn bỏ vào nồi nước dùng thì các hạt trứng nổi tấm tấm vàng, sóng sánh trong tô bún – chưa thấy đã thèm rồi.

- Ứ thì mua cá lóc. Lựa con nhỏ nhỏ thôi (ngược với hồi xưa à nghen), cỡ 8 lạng 9 lạng thì cá nó chắc, lớn quá thì mỡ nhiều lắm, không ngon.

- Biết rồi... biết rồi... 2 con phải không? Còn gì nữa?

- Mắm! Mắm sặc nghen – em mua chừng 2 lạng là vừa. Đúnng ra thì nấu mắm linh, nhưng mắm linh khi nấu sẽ có vị nhẫn nhẫn, mắm sặc thì thanh hơn, không bị đắng, và xương to nên nấu lấy nước để nêm thì dễ lọc xương hơn.

Hồi đó má tôi nấu thì lấy miếng vải mùng, gói mắm bên trong rồi cho vào nồi nước để nấu chung. Bây giờ thì tụi tui nấu riêng mắm với một ít nước, rồi lọc lấy nước mắm để dùng. Một ít mắm khi nấu lên, cho vào nồi nước dùng làm dậy mùi thơm của cá, hòa quyện với mùi hăng của ngãi bún, thành mùi vị đặc trưng của bún cá, không lẫn đi đâu được. Đúng ra thì má nói nấu bò-hốc thì ngon nhất, nhưng từ nhỏ tới lớn tui cũng không biết mắm bồ-hốc là mắm gì.

- Xả cây thì sau nhà mình có, nhổ cỡ 4 tép, cắt đầu, lấy gốc, đập dập cho vào nấu để thêm hương vị.

- Cái gì mua thì ông nói, thứ có sẵn ở nhà … thì khi ông nấu ông tự lo đi!

- Ừ, thì mua gì nữa hè... Bún...

- Ăn bún cá mà không mua bún à? Vậy cũng nhắc! Bà xã nguýt tôi.

Ừ vậy đó, không nhắc dám em cũng không mua rồi đổ thừa anh không nói à – tôi nghĩ bụng. Bún để ăn bún cá là bún nhỏ, được bún của Thủ Đức là số một – cọng trắng, nhỏ, đều, mướt, xếp vào tô nhìn từng lọn từng lọn – đẹp mê hồn.
- Rau sống. Mua giá và hoa chuối thôi em nghe, anh không ăn rau muống bào đâu...

- Ông không ăn thì người khác ăn, ông không cho người ta ăn à?

Tô bún cá ngon hòa đủ màu sắc: cọng bún trắng trong, cọng giá trắng đục, miếng cá trắng bông, ngãi bún vàng vàng, hoa chuối hồng hồng, rau thơm xanh xanh, ớt đo đỏ...

- Ừ còn mua rau thơm nghe em, chỉ mua húng cây thôi, các rau khác không cần đâu! Mua ớt nữa nghe, ăn bún cá không có muối ớt vô vị lắm, còn chanh thì không mua cũng không sao.

Bún cá nhà tôi ăn với muối ớt, chỉ có muối giã với ớt mà thôi, thứ ớt hiểm nồng nồng, cay cay, vừa ăn vừa hít hà cho nước mắt nước mũi chảy ra là tuyệt.

- Quan trọng nhất là em mua 3 trái dừa xiêm lấy nước nấu nghen.

- Bốn trái được không?

Nhà tôi nấu bún cá đặc biệt là chỉ nấu với nước dừa tươi, vị ngọt của nước dừa, cộng thêm vị ngọt của cá, vị mặn của mắm, chỉ cần nêm sơ một chút Knor là xong thôi. Mấy bà dì tấy nhà tôi nấu với nước dừa tươi thì nói là tụi tui nấu “bún lá kèn” chứ không phải là “bún nước lèo”, nhưng kệ, với tôi nó là món bún cá MADE IN NHÀ TÔI là được rồi. Nhưng nhà 4 người ăn, nấu 2 con cá mà 4 trái dừa là hơi nhiều à?

- Thì còn 1 trái tui uống, không được à? Bả lại nguýt tôi thêm lần nữa.

Ừ, xong rồi đó em, nào lên xe ra chợ nào...

Tôi dắt xe ra, chở bà xã đi chợ, trên đường đi cứ nghe thoang thoang mùi mắm, mùi ngãi bún như đâu đây bay ra, đánh thức con tỳ con vị... Ôi... thèm quá... Bún cá ơi!