Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2008

Chè bạc đầu



Mùa Đông Mong Manh
Ca sĩ: Trio 666

Nhà tôi có đa phần ảnh hưởng của người Hoa: má tôi là người Hoa, vợ tôi cũng là người Hoa. Vì vậy đến ngày Đông Chí hàng năm, làm gì thì làm cũng phải cúng một mâm chè ỷ.

Chè ỷ được nấu từ bột nếp và đường, loáng thoáng vài sợi gừng – dễ thực hiện nhưng không phải dễ để nấu ngon. Nguyên liệu rẽ tiền, cách nấu đơn giản nên trước đây (vào khoảng 1982 – 1985) món này gần như thành món tráng miệng thường kỳ của gia đình tôi.

Tuy nhiên để nấu được nồi chè ỷ được vừa ý của Ba tôi thì cũng lắm công phu. Hồi đầu khi hai chị em tôi nấu nồi chè ỷ đầu tiên sau khi Má mất, ông chỉ ăn đúng 2 viên – còn lại thì tôi và bà chị phải cố ăn cho hết cái nồi chè vừa khô, vừa cứng, vừa cay – thật kinh dị!!!

Qua vài lần nấu thì hai chị em cũng rút được kinh nghiệm: bột nếp phải hòa với nước ấm – ba sôi, hai lạnh – thành hỗn hợp dẽo vừa tay, phải ủ thêm ít nhất 2 giờ để cho các hạt bột nếp ngấm no nước, nở căng thì mới được vo viên bằng đầu ngoán tay cái. Cho từng viên bột tròn vào nồi nước sôi sùng sục, chờ cho chín già – ba chìm, bảy nổi – thì vớt ra ngay, ngâm vào chậu nước lạnh có một ít dầu ăn để các hạt chè không bị dính thành chùm. Sau đó nấu nước đường và một ít gừng thái chỉ – đường nào cũng nấu được nhưng ngon nhất là loại đường thẻ, loại đường bán tinh – dưới quê tôi còn kêu bằng đường tán, còn lẫn cả mật đường, hòa với mùi gừng thì mới thơm thơm, cay cay, ngòn ngọt đúng vị và ăn đỡ ngán. Khi nước đường sôi già, vớt sạch bọt – cho các viên chè vào, đợi sôi thêm một lần nữa là xong món chè ỷ rồi đó.

Chè ỷ được cúng vào ngày cuối năm do có hương vị ngọt ngào, viên tròn,… đối với cộng đồng người Hoa thì món chè này tượng trưng cho sự tốt đẹp trọn vẹn, viên mãn. Nếu chè ỷ dành cho người lớn tuổi thì phải thêm mì sợi và gừng. Gừng là “khương”, gần với “khương” là “khương kiện”. Mì là “miến”, gần với “miên” là “miên trường”. Còn đối với nhà tôi chè ỷ tượng trưng cho một năm đã viên mãn – chuẩn bị sang năm mới, thêm tuổi mới.

Khi cúng Đông Chí xong, cứ theo số tuổi của đám con nít trong nhà mà múc chén chè đầu tiên cho tụi nó. Chén đầu tiên thì phải ăn cho hết – nếu không thì không được lên tuổi đâu, má vợ tôi nói thế. May mắn là qua tuổi “nữ thập tam, nam thập lục” thì chỉ ăn tượng trưng, mừng được lên tuổi. (Cứ tưởng tượng thử ăn một lần 20, 30 hay 40 viên chè ỷ thì...).

Ngày nay nhà tôi không nấu chè ỷ vào ngày Đông Chí nữa, thay vào đó là đặt mua của một gian hàng ngoài chợ. Cũng lui cui cúng kiếng vào đêm Đông Chí, cũng đếm số viên chè cho các con ăn... nhưng với tôi nó không ngon như nồi chè khô cứng ngày xưa... Bây giờ thì vừa ăn chè, vừa chúc các con lên tuổi mới, chóng lớn, học giỏi... chúc cho vợ năm mới công việc, sức khỏe cũng viên mãn như viên chè... tự chúc bản thân cho mọi việc tròn vẹn, và lại thở dài... Lại thêm một tuổi, bắt đầu già đi rồi trong khi đó con cái còn non dại, sự nghiệp chưa có gì cả... Giờ thì mới biết tại sao hồi xưa má tôi lại gọi đó là món “Chè Bạc Đầu”...

Không có nhận xét nào: