Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2008

Tung tăng Phố Hội





Chúng tôi đến Hội An vào một ngày Chủ nhật tháng 7, trời nắng chan hòa. Đi từ Đà Nẵng vào Hội An, đường đi còn đầy nét đồng quê: làng mạc, nhà cửa, hàng rào cây xanh... hòa trong nắng vàng, thật dịu mát.
Vào đến Hội An, ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là... đi lạc. Trong đoàn có anh từng làm lái xe cho Du lịch Hòa Bình, thường chở các đoàn khách đi nhưng năm đó chúng tôi đi lạc ra đến khu dân cư mới mở, hình như là gần biển thì phải. Nguyên nhân cũng vì mấy năm không đến, nhà cửa cảnh quan đổi khác nên dẫn cả đoàn đi lạc.
Vào đến khu phố cổ, việc đầu tiên là mua vé tham quan: được tham quan 3 điểm cộng thêm được xem biểu diễn ca múa dân tộc. Việc quyết định tham quan 3 điểm nào trong vô số điểm cần tham quan cũng là một vấn đề vì trong đoàn 4 người thì đã năm sáu ý. Tách ra để đi riêng lẽ thì sợ lạc tiếp, rốt cuộc thì cũng chọn được nhà cổ họ Trần, Chùa Phúc Kiến và chùa Ông.
Các kiến trúc khi tôi đi xem sơ thì vẫn ấn tượng nhất là chùa Cầu với 2 ông khỉ và 2 ông chó ở 2 đầu cầu. Giữa cầu có am nhỏ thờ Chân Vũ Đại Đế: người ngự trị phương Bắc và có công trị thủy. Bức tượng thờ tuy nhỏ nhưng vẫn toát lên uy nghi và tinh thần của vị Đại đế hóa thân tứ chín của Ngọc Hoàng: tóc xõa dài, chân giẫm trên Quy, Xà nhị tướng, một tĩnh: Quy - trầm ổn chắc chắn, một động: Xà - linh hoạt biến hóa: cả hai đều toát lên cốt lõi tinh thần của NƯỚC: trầm ổn, lớn mạnh và linh động, biến hóa vô lường, như dòng sông Thu đang chảy qua Hội An.
Các kiến trúc khác thì khu vực chùa Phước Kiến ấn tượng nhất là việc các hình tượng, bích họa được ghép bằng các mãnh gốm sứ, tiếc là do biết quá muộn nên tôi không xem được thuyền cổ, Tam tiên và 12 bà mụ sanh, 36 Thiên tướng của Hội quán này. Chùa Ông-chùa Bà thì ấn tượng ở 4 cánh cửa gỗ to chạm trổ mai, trúc, lân, long thật tinh xảo và sống động - hai Ông (Quan Công) vả Bà (Quan Âm) cách nhau có mỗi cái vách có một cánh cổng nhỏ thông qua, không đề ý thì đố biết đó là 2 ngôi chùa khác biệt. Nhà cổ họ Trần thì lại chỉ thích khu vườn mát rượi bên ngoài vì bên trong tận dụng bán đồ mỹ nghệ lưu niệm nên không còn chổ để ghé mắt vào xem.
Đến Hội An, khi đi vòng quanh tôi chọn mua được một bộ ấm sứ bé xíu và bốn cái chung, tất cả bày trên chiếc dĩa cách điệu thành chiếc lá, nước men xanh lam bóng loáng, mượt mà. Song song tôi lại mua được một bộ tò he đất đủ 12 con giáp, tuy không tinh xảo nhưng lại chứa đầy hồn quê. Cầm từng con lên thổi, nghe kêu tu-oe, tu-oe, bỗng thèm làm con nít hết sức...
Đến trưa thì chúng tôi ghé vào quán, tất nhiên là phải thưởng thức món cao lầu trứ danh của Hội An rồi. Quán cao lầu tôi ăn ngày hôm đó không phải là quán nổi tiếng của Hội An, nhưng với người lạ mới nếm thử món ăn này lần đầu thì thấy thật ngạc nhiên và thú vị - trước đó tôi còn chưa ăn qua cả mì Quảng nữa kìa. Món cao lầu hội đủ các thứ khoái khẩu: sợi bánh mềm, dai - vụn bánh chiên dòn rụm, rau thơm lựng, ớt cay nồng, cùng với vị ngọt, thơm của miếng xá xíu... Hừm... biết tả sao giờ nhỉ? Tô cao lầu nho nhỏ, lượng vừa đủ tạo cảm giác ngon miệng, vừa còn cảm giác thòm thèm muốn ăn thêm.
Cũng tiếc là sau này mới biết phố Hội còn có bánh hoa hồng. Ngày hôm đó tôi có thấy quán bánh nhưng cứ nghĩ đó là bánh ngọt nên không để ý, chứ nếu biết thì tôi đã ăn một đĩa để còn biết hương vị của một loại đặc sản của phố Hội rồi.
Đến chiều thí chúng tôi rời phố Hội về Đà Nẵng, lòng vẫn còn luyến tiếc: tôi chưa được tham dự đêm rằm phố cổ, chưa được ngắm đèn lồng, ngắm phố cổ không dùng đèn điện, chỉ thắp đèn lồng trước cửa trong đêm rằm.
Lòng tự nhủ, nếu có dịp tôi sẽ quay về phố Hội - nếu được ngay Nguyên tiêu thì quá tuyệt, tôi sẽ về để thưởng thức bao di tích, bao cảnh vật còn bỏ sót, cũng như sẽ tìm bao món ăn ngon khác đã nghe nhưng chưa được thưởng thức: canh bầu nấu hến, khoai lang Trà Đóa và tất nhiên phải tìm lại vị béo ngậy, thơm lừng của món đặc sản cao lầu.

Không có nhận xét nào: