Thứ Năm, 20 tháng 11, 2008

Bến Ô Môi




Nhớ về cô Thiên Kim.

Thời còn đi học, tôi từng học qua nhiếu thầy cô. Nhưng có lẽ người có ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất là cô Bùi Thiên Kim – cô giáo dạy Toán năm lớp 10 và chủ nhiệm tôi vào năm lớp 11.

Tôi vào lớp 10 năm 14 tuổi – 1984. Trường lúc đó là trường PTTH duy nhất của TX Long Xuyên và là trường chuyên của cả tỉnh An Giang. Lúc tôi vừa vào lớp 10 thì cô cũng vừa tốt nghiệp ĐHSP TP HCM, được Sở phân công về trường dạy. Lớp học trò tụi tui năm ấy là lứa học trò đầu tiên cô dạy, sau đó là cô làm chủ nhiệm – là lứa đàn em đầu tiên được cô chăn dắt nên cô rất quan tâm. Cô hiểu từng đứa – từng gia cảnh nên có sự động viên rất lớn đối với học trò.

Chính cô đã dạy cho tôi “Hạnh phúc là sự sẽ chia” bằng các phong trào nho nhỏ trong lớp: Giúp bạn nhà nghèo đến lớp, Đôi bạn học tập…

Chính cô là người khơi dậy cho tôi máu phiêu lưu: cô tổ chức cho tụi học trò đi xe đạp từ Long Xuyên sang Chợ Mới, Châu Đốc, Núi Sập, Thốt Nốt… Vừa là đi chơi, vừa là cách rèn luyện thể lực, vừa là cách dạy cho học trò thêm hiểu, thêm yêu vùng đất mình đang sống.


Lúc đó tôi là đứa học trò “thấp bé nhẹ cân”, học giỏi các môn tự nhiên nhưng các môn xã hội thì bình bình, môn văn thì chỉ ở mức trung bình khá, còn môn thể dục thì … thật tệ hại. Tuy nhiên qua các lần đạp xe đi chơi, tình hình sức khỏe cải thiện hơn, cô khuyên khích tôi đi học bơi – dây Miền Tây nhưng đến hè lớp 10 tôi mới biết bơi, cũng nhờ 2 người bạn trong đội tuyển bơi lội cũa tỉnh dạy cho – khuyên tôi nên thường đạp xe đạp rèn thể lực… Và đi dạo vòng vòng bằng xe đạp đã trở thành thói quen theo tôi đến khi tôi lên Sài Gòn học, đi làm – mãi đến năm 1995.

Ngoài ra các lần đi núi Sam, núi Cấm, núi Sập, Long Điền, Vĩnh Trinh, Bò Ót… cô đã dạy cho chúng tôi thêm lòng yêu thương quê hương xứ sở qua các câu chuyện lịch sử, dã sử, truyền ngôn… của các vùng đất, của các anh hùng, danh nhân đã góp công xây dựng mảnh đất An Giang. Từ đó tôi lại có được sự yêu thích khi học các môn Địa Lý, Lịch Sử mà tôi thường chê khô khan – “khô hơn cả những con số”, tôi đã từng nói như thế. Cô dạy môn Toán nhưng qua lời kể của cô, cách cô gợi cho chúng tôi cảm nhận và trình bày, phân tích một sự việc, một câu chuyện - như phân tích chứng minh một bài toán - đã dần dần đã giúp cho tôi học tốt hơn môn Văn – môn không phải học trò nào cũng thích trong khoảng thời gian ấy.

Cô vừa là người thầy, vừa là người chị dìu dắt chúng tôi qua 3 năm trung học. Cho dù năm lớp 12 cô phải nhường cho thầy tổ trưởng tổ Toán dạy lớp chúng tôi nhưng khi định hướng đi thi Đại học, cô lại quan tâm động viên, chia sẽ với những đứa em còn đang phân vân trước một ngưỡng cửa mới của cuộc đời.


Một điều thú vị và ấn tượng nhất đối với chúng tôi là đám cưới của cô vào cuối năm 1986 – khi chúng tôi đang học lớp 12. Nhà của cô ở bên Chợ Mới, cả lớp đã từng đi qua mấy lần khi đi chơi cùng cô, nhưng hôm đó khi cả bầy học trò ùa đến thì chợt sửng sốt vì ngay trên bến sông nhà của cô, cây ô môi nở bung cả vòm hoa, rực ánh hồng. Khi nhà gái đưa dâu xuống tắc ráng về Long Xuyên, cô hạnh phúc đi cùng thầy dưới vòm hoa ô môi, chúng tôi vỗ tay rần rần, tán ô môi rung rinh trước gió, rắc từng cánh, từng cánh hoa hồng rải xuống đôi vợ chồng mới – cảnh tượng đẹp gấp tỷ lần việc bắn coferti trong các đám cưới hiện đại ngày nay.

Có lẽ trời đất cũng vì lòng yêu thương của cô mà tạo một cảnh tượng ngàn năm khó lặp lại. Có lẽ lòng yêu kính của chúng tôi dành cho cô quá lớn, nên một đám cưới quê giản dị cũng trở thành huy hoàng rực rỡ trong con mắt của chúng tôi.

Khu vực nhà của cô đã bị dòng sông Hậu xâm thực và đổ mất vào khoảng 2002-2003. Nhưng trong ký ức của chúng tôi, ngôi nhà đó…, dòng sông đó…, bến đò đó… vẫn mãi mãi là một Bến Ô Môi rực rỡ như tấm lòng của cô dành cho lũ học trò tụi tôi.


Không có nhận xét nào: