Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2008

Non nước Ninh Bình



Ninh Bình, vùng đất nhiều di tích lịch sử, vùng đất của Cờ Lau, của Hoàng hậu hai triều... Trong các chuyến đi công tác, tôi thường xuôi ngược trên đường Hà Nội - Thanh Hoá, và vì vậy không ít lần phải đi qua Ninh Bình.
Trước đây tôi từng xem các tranh thuỷ mặc, cứ cho rằng sơn thuỷ trong tranh chỉ là sự tưởng tượng của con người. Cho đến khi tôi tận mắt nhìn thấy các dãi núi trùng trùng điệp điệp của vùng đá vôi Ninh Bình.
Lãng đãng mây bay, núi xa, núi gần mờ mờ, hiện hiện. Các quả núi xanh lục thẫm, chàm chàm cứ tròn tròn như bát úp, lượn lờ hằn lên nền trời xanh xám xa xa như nét vẽ mểm mại trên nền lụa. Núi non kết hợp với đồng lúa đương thì, xanh mướt mắt, thỉnh thoảng một dòng sông lượn quanh. Đúng nghĩa là như bức tranh thuỷ mặc, không biết làm sao để diễn tả cho hết.
Nhưng một điều rất đau lòng là việc khai thác đá vôi cho các nhà máy xi măng đã bôi bẩn đi bức tranh tuyệt vời ấy. Giữa cảnh núi non trùng điệp, ẩn hiện trong mây lại xuất hiện một mảng sườn núi bị khai tác loang lỗ. Màu đá hoà đất nâu nâu, đỏ đỏ xé toạc nham nhở trên nền núi mờ xanh - cứ như vết loét loang máu trên cánh tay trần của một cô gái đẹp. Thật đau lòng...
Tôi cố gắng quên đi, "giả vờ" như không thấy, nhưng nó cứ lồ lộ, đập, xoáy vào mắt, bắt buộc phải nhìn thấy. Quay bên này thì cũng thế, bên kia thì cũng thế. Sao chúng ta khai thác vô tội vạ đến thế nhỉ? Sao không khai thác ở mặt sau, sườn núi không quay ra đường ấy để "xấu che - tốt khoe"? Hay tại sao không tập trung khai thác ở một khu nào đó thôi, còn lại thì để cảnh quan thiên nhiên, để làm du lịch chứ nhỉ. Hay... (tôi tự nghĩ), định thực hiện phương châm "Xấu đều ở các nơi thì đâu đâu cũng là đẹp"?
Thực chán cho ngành DL ở VN - chán cho cách bảo tồn di sản, cảnh quan. Cứ như thế này, chẳng mấy chốc đi ngang qua Ninh Bình, tôi lại phải che mắt vì xốn xang, vì xấu hổ. Thực buồn cho vùng Cố đô - buồn cho mảnh đất của người đẹp Dương Vân Nga...

Không có nhận xét nào: