Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

Huyền thoại Ngũ Hành Sơn







Sự tích Ngũ Hành Sơn: Ngày xưa, nơi đây là vùng biển hoang vu, chỉ có một ông già sống đơn độc trong túp lều tranh. Một hôm, trời đang sáng bỗng nhiên tối sầm, giông bão nổi lên, một con giao long rất lớn xuất hiện vùng vẫy trên bãi cát và một quả trứng khổng lồ từ từ lăn ra ở dưới bụng. Sau đó giao long quay ra biển đi mất. Lát sau, một con rùa vàng xuất hiện, tự xưng là Thần Kim Quy, đào cát vùi quả trứng xuống và giao cho ông già nhiệm vụ bảo vệ giọt máu của Long Quân. Quả trứng càng ngày càng lớn, nhô lên cao chiếm cả một vùng đất rộng lớn. Vỏ trứng ánh lên đủ màu sắc xanh, đỏ, trắng, vàng, tím lấp lánh như một hòn ngọc khổng lồ. Một hôm, ông lão vừa chợp mắt thì nghe có tiếng lửa cháy, ông cầu cứu móng Rùa - vật mà Thần Kim Quy đã giao lại cho ông lúc ra đi và trong lòng trứng hiện ra một cái hang rộng rãi, mát mẻ. Ông đặt lưng xuống ngủ thiếp luôn và không biết đang xảy ra một phép lạ: một cô gái xinh xắn bước ra từ trong trứng và nơi ông nằm là một trong năm hòn đá cẩm thạch vừa được hình thành từ năm mảnh vỏ của quả trứng. (theo Kho Tàng Truyện cổ tích Việt Nam - Nguyễn Đổng Chi)
Tôi đã đọc Sự tích này từ lâu lắm, nên cũng có đôi chút tò mò, muốn đến thăm Ngũ Hành Sơn cho thoả chí. Tuy nhiên đến Đà Nẵng cũng nhiều nhưng thực sự chỉ ghé qua Ngũ Hành Sơn được đúng 1 lần, theo kiểu "cỡi xe xem núi".
Tổng quan núi thì không cao lắm, phía ngoài đường nhìn vào thì khuất sau các dãy nhà. Phong cảnh nhìn từ xa - có lẽ do góc nhìn không được đẹp - là ...không thấy gì cả.

Hôm nay nghe lại "Huyền thoại Ngũ Hành Sơn" của Vũ Đức Sao Biển, chợt ấm ức vì chuyến đi chưa trọn, leo lên mạng tra cứu thông tin thì cũng được kha khá:

Theo Wikipedia:
Ngũ Hành Sơn là tên gọi chung của năm ngọn núi thuộc Đà Nẵng.

Đây là nhóm núi đá (trong đó có cả đá cẩm thạch) nằm kề với biển, liền sông được vua Minh Mang đặt tên mỗi ngọn núi tượng trưng cho các yếu tố cấu thành vũ trụ là Kim Sơn, Thuỷ Sơn, Thổ Sơn, Mộc Sơn và Hoả Sơn.

Ngũ Hành Sơn nằm cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 5 km về phía đông nam, trên một bãi cát mênh mông gần bờ biển, thuộc làng Hoà Khuê, ấp Sơn Thủy, huyện Hoà Vang. Thuở xa xưa người Chiêm Thành, thờ thần linh theo tín ngưỡng của họ, ngày nay còn lưu lại di tích qua những tượng thần bằng đá, những đền tháp và hình tượng khắc trong vách đá ở Chùa Linh Ứng, trong động Huyền Không.

  • Kim sơn (Metall - metal) là hòn núi khiêm tốn nhất trong 5 ngọn núi kéo dài từ đông sang tây, sông Trường nối dài ra sông Đà Nẵng, có đò Bến ngự ngày xưa Vua chúa thường cập bến nơi đây để ngọan cảnh, qua thời gian biển dâu biến thành ruộng đồng, sông Trường có tên „Lộ Cảnh Giang là sông Cổ Cò“, đã bị vùi lấp biến thành ruộng hoặc hồ nước còn dấu tích của những đoạn sông chưa bị lấp kín
  • Mộc sơn (Holz - wood) phiá đông nam nằm song song với núi Thủy sơn dù mang tên là mộc, nhưng cây cối mọc rất ít núi cũng có hang động nhỏ, Mộc sơn có khối đá cẩm thạch trắng giống hình người
  • Thuỷ sơn (Wasser - water) phiá đông bắc là núi đẹp nhất, du khách thường đến ngoạn cảnh gọi là Chùa Non Nước, phong cảnh hữu tình có thể nói núi Thủy sơn nằm dài từ đông sang tây rộng 15 ha, có nhiều Chùa được xây cất lâu đời, có động Thạch nhũ, có hai chùa đẹp chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng, đường lên núi làm bằng từng cấp lót đá, trên đỉnh 3 ngọn núi mang tên là "Tam Thai" bởi vì nó giống như "Sao Tam Thai" tức là 3 ngôi sao làm thành cái đuôi của chùm sao Đại Hùng Tinh. Du khách từ vùng biển muốn lên thăm Linh Ứng phải bước lên khoảng 108 tầng cấp, nếu đến chùa Tam Thai nằm ở phiá nam phải đi xa hơn những tầng cấp dài 156 bậc. Ngày nay phần lớn du khách đến Thuỷ sơn bằng xe từ đường Huyền Trân, hai bên đường là làng chuyên về nghề điêu khắc tạc tượng, bằng đá cẩm thạch
  • Hỏa sơn (Feuer - fire) ngọn núi hướng về phiá tây nam sườn núi hiểm dốc hang động hoàn toàn im lặng, đối diện với hòn Kim Sơn, bên trái đường Sư Vạn Hạnh, trên dãy núi Hỏa sơn còn lại những đống gạch vụn từng mảnh hay đôi khi nguyên vẹn, trong những hố đá gạch sụp lở đó là di tích đền tháp của người Chiêm Thành. Hoả sơn nơi người ta khai thác lấy đá cẩm thạch. Đá cẩm thạch non nước có nhiều vân, sắc đẹp hồng, xám, trắng, những loại đá khác nhau rất hữu ích cho công nghiệp, đá vụn để trãi đường, tô tường nhà. Hỏa Sơn gồm có một hòn Âm và một hòn Dương, nối liền với nhau bằng một đường đá thiên tạo nhô cao hẳn lên.
    Hòn Âm Hỏa Sơn nằm phía đông, gần đường Lê Văn Hiến, chóp núi tròn nhô lên cao hơn. Sườn núi có nhiều thớ đá nằm nghiêng và chạy nghiêng cắt ra từng đoạn, cây cối mọc ở các kẻ đá, ở mỏm núi phía đông có một cái hang thông từ sườn phía nam ra sườn phía bắc. Nhân dân địa phương thường đi theo đường này đến các hòn Kim Sơn và Thổ Sơn.
    Hòn Dương Hỏa Sơn nằm ở phía tây. Ngày xưa, khi còn giao lưu được giữa Hội An và Đà Nẵng bằng đường thủy, ở đây có một bến sông, ghe thuyền đi về buôn bán vô cùng tấp nập. Trên bờ sông, sát chân hòn Dương Hỏa Sơn có khu miếu Ông Chài, hiện đã bị đổ nát. Tên dân dã "núi Ông Chài" có thể bắt nguồn từ đó. Tại một điểm cao trên sườn núi cheo leo, vách đá thẳng đứng, phía bắc Dương Hỏa Sơn nhìn về phía Kim Sơn, có ba chữ Hán lớn, nhìn từ xa rất rõ "Dương Hoả Sơn" và một dòng chữ nhỏ phải đến gần mới thấy : "Sắc Minh mạng thập bát niên thất nguyệt nhật cát lợi".
  • Thổ sơn (Erde - earth) là núi thấp nằm chính giữa có dạng vuông, cạnh không đều nhau, Thổ sơn không có phong cảnh đẹp chỉ có đất sét đỏ và đá cát lẫn lộn. Theo truyền thuyết Thổ sơn là nơi linh địa ngày xưa người Chiêm Thành đồn trú nơi đây, còn tìm thấy những nét về văn minh người Chiêm Thành điêu khắc vào đá như một cứ điạ từ đó xuất phát đi cướp phá các vùng biển có tàu buôn đi từ Trung hoa xuống đến vùng biển Mã lai. Thổ sơn thấp bao quanh những ngọn núi cao hơn.
Theo saigon.nguoihanoi.net thì:

Thuỷ Sơn là hòn núi lớn và đẹp nhất trong khu danh thắng, đỉnh gồm ba ngọn nằm ba tầng giống như ba ngôi sao Tam Thai nên có tên gọi là núi Tam Thai.Ngọn cao nhất 106m ở phía tây bắc gọi là Thượng Thai gồm có Vọng Giang Đài, chùa Tam Thai,chùa Từ Tâm,động Hoàng Cung, động Hoa Nghiêm, động Linh Nham, thạch động Huyền Không,… Ngọn phía nam thấp hơn gọi là Trung Thai, nơi đây du khách sẽ nhìn thấy Cổng Trời, hang gió Tây, hang gió Đông, động Vân Thông, động Thiên Long, hang Vân Nguyệt,… Ngọn phía đông hơi nhô cao lên gọi là Hạ Thai gồm có Vọng Hải Đài, chùa Linh Ứng, động Tàng Chơn, Bàn Cờ, giếng Tiên và động Âm Phủ,…
Lên khỏi 156 bậc cấp đá hoa cương là cổng Tam Quan cổ kính dẫn vào chùa Tam Thai, nơi vẫn còn lưu giữ được “quả Tim Lửa” và chiếc chuông khắc tên vua Minh Mạng.Từ Vọng Giang Đài, Vọng Hải Đài du khách thoả thích ngắm nhìn cảnh làng quê thanh bình bên dòng sông Cổ Cò cùng với biển cả bao la.
Cảnh sắc hang động thật kỳ vĩ - ánh sáng mặt trời len lỏi qua các ngách đá, thạch nhũ tạo ra với nhiều hình hài khác nhau rất ấn tượng, du khách có thể cảm nhận bằng chính sự chiêm nghiệm, khám phá của mình.

Ở phía tây khu danh thắng Ngũ Hành Sơn có nhiều hang động thiên nhiên cảnh sắc đẹp. Ở ngọn Kim Sơn có chùa Thái Sơn, chùa và động Quán Thế Âm, hang Tam Thanh. Ngọn Hoả Sơn có chùa Linh Sơn, động Huyền Vi, chùa và động Phổ Đà Sơn.Tham quan động Quán Thế Âm và Huyền Vi du khách không khỏi ngạc nhiên thú vị trước hình tượng của Phật được tạo ra từ thạch nhũ rất sinh động. Hoà thượng Thích Phán Nhẫn phát hiện ra động Quán Thế Âm vào năm 1956, cửa động cách chân núi khoảng mười mét, đường vào động là những bậc đá tự nhiên đi sâu xuống lòng núi. Ngay phía đối diện cửa động là một khối thạch nhũ tạo thành hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát rất hoàn chỉnh, cân phân, thanh tú. Một lớp da đá lấp lánh như kim tuyến bề ngang hơn gang tay phủ từ bờ vai phải chạy dài đến hết thân tượng, bàn tay phải có nâng bình nước cam lồ. Trong động còn có bộ tam khí của nhà Phật gồm chuông, trống và mõ bằng đá với những âm thanh rất chuẩn và thật. Cuối động là hồ nước mát lạnh, trong suốt quanh năm gọi là hồ nước Cam Lồ. (nguồn http://saigon.nguoihanoi.net/forum/archive/index.php/t-1775.html)

Vân vân và vân vân...

Hạc xưa bay rồi, bạc đầu biển gọi
Mẹ Trưòng Sơn cho năm đứa con về ở với người
Năm cụm Ngũ Hành như năm ngón tay chia bùi sẽ ngọt
Đời đời sóng vỗ ru người âm vọng trùng khơi

Tuy nhiên đến khu vực Non Nước - Ngũ Hành Sơn, tôi chỉ nhớ đến khu làng đá mỹ nghệ dưới chân núi, dọc hai bên đường. Đá cẩm thạch qua bàn tay gia công khéo léo đã trở thành những tượng, những quả trứng, những lồng đèn.. tuyệt mỹ. Đến thăm thì thế nào củng phải mua một cái gì đó gọi là kỷ niệm. Tôi thì chỉ chọn một con chim cú bằng cẩm thạch trắng - con chim cú của Athena. Con cú ở trên bàn làm việc củ của tôi, hàng ngày ngó nghiên lục vấn tôi với cặp mắt đầy trí tuệ: "Lãn công à?... Khó khăn sao?... Ách tắc không giải quyết được à?...". Tiếc rằng trong lúc dọn văn phòng lên nhà máy mới nó đã vỡ tan do sự bất cẩn của mình.

Ai xui đá cũng có trái tim
Cũng biết yêu em nên ngàn năm rớt giọt tơ vàng
Cách chia đôi đàng, nhớ bạn tình chung...

Ai quên đá cũng có trái tim
Cũng rung lên bao lời ru biển hẹn non mòn
Nhớ nhau quay về, uống cạn ngàn ly...


Thế nhưng tôi lại lo xa... Lo cho với đà khai thác này thì liệu mấy chốc "núi xanh hoá nương dâu" như vùng Thoại Sơn đầy di tích của An Giang đã muốn thành bình địa do hơn 40 năm khai thách đá xây dựng, làm đường. Khi đó không khỏi cảm thán mà rằng: "Ai xui đá cũng có trái tim... Ai quên đá cũng có trái tim...". Nhưng có lẽ đó là tôi lo xa thôi...

Qua đây gió tưởng nhớ đến ai
Phảng phất hương hoa của ngàn năm vòc ngọc da ngà
Cỏ cây sơn hà thấm đượm tình ta.

Núi non hùng vĩ, di tích lại nhiều, nhưng rất tiếc là do điều kiện thời gian không cho phép, tôi chỉ lướt qua. Có lẽ phải hẹn một dịp khác, tôi sẽ phải quay lại với Ngũ Hành Sơn, với câu hứa "nhớ nhau quay về, uống cạn ngàn ly"...

Không có nhận xét nào: